Ngày 23/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Ðẩy mạnh thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn trong ngành Nhựa

15:27 - 18/07/2018
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành nhựa, trong đó hơn 80% tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Số liệu thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam cho thấy, máy móc, thiết bị đang sử dụng trong các DN chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình, 52% lạc hậu. Các công nghệ phổ biến đang được áp dụng trong ngành nhựa bao gồm: Phun ép (sử dụng trong sản xuất linh kiện điện tử, điện lực, xe máy và ngành công nghiệp ô tô; Đùn thổi (áp dụng trong sản xuất các loại vật liệu, bao bì nhựa; Đùn thổi túi PE, PP và cán màng PVC); Công nghệ sản xuất nhựa sử dụng thanh Profile (dùng trong sản xuất ống thoát nước PVC, ống cấp nước PE, ống nhôm, nhựa, cáp quang, cửa ra vào PVC, khung hình, tấm lợp, phủ tường)… Hầu hết, các công nghệ này đều tiêu tốn năng lượng, gây phát thải cao và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, nước thải từ quá trình sản xuất nhựa chứa một lượng lớn các chất tẩy rửa và các hạt nhựa nhỏ lơ lửng. Khí thải trong quá trình nấu nhựa gây mùi khó chịu. Bụi trong quá trình phân loại, xay, cắt nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động và môi trường không khí xung quanh…
Như vậy, để giảm phát thải, ngành Nhựa cần phải áp dụng SXSH, đặc biệt trong bối cảnh nước ta phát triển nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Việc các DN ngành Nhựa áp dụng các giải pháp SXSH sẽ là công cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai SXSH, vẫn còn nhiều rào cản như: Nhiều DN chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền và cho rằng BVMT là việc của Nhà nước. Các DN cũng chưa thực sự hiểu lợi ích của SXSH đối với sự phát triển bền vững của DN nên không đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại.
Trong khi xu thế của thế giới chuyển sang sử dụng bao bì nhựa tự hủy thân thiện với môi trường (P.E.T), nhưng nhiều DN nhựa Việt Nam chưa chuyển sang sản xuất các sản phẩm nhựa này do giá thành cao. Hiện nay, có một số DN tại TP. Hồ Chí Minh đã chủ động chuyển sang sản xuất nguồn nguyên liệu P.E.T và thu được hiệu quả cao như Công ty CP sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất P.E.T mới từ châu Âu và các thiết bị phụ trợ từ Nhật Bản. Hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Để trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong những năm tới, ngành Nhựa cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp SXSH như:
Tăng cường triển khai thực hiện hỗ trợ tư vấn về SXSH cho các DN ngành nhựa thông qua các Trung tâm khuyến công.
Rà soát đánh giá các văn bản liên quan nhằm khuyến khích DN nhựa áp dụng các biện pháp SXSH như ưu đãi tiếp cận các nguồn tín dụng, ưu đãi về tài chính (thuế/phí, đất đai).
Đổi mới công nghệ trong sản xuất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu; phát triển đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tận dụng và xử lý phế liệu phát sinh, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ.
Đào tạo cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các DN, đồng thời nâng cao nhận thức cho các DN áp dụng các giải pháp SXSH. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về SXSH trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Tạp chí môi trường