[In trang]
Đánh thức tiềm năng của các doanh nghiệp chế biến thủy sản
Thứ hai, 25/08/2014
Nếu nhân lên với số lượng hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu USD. Số tiền này có thể dùng để mở rộng sản xuất, thuê nhân công, đầu tư máy móc mới.

Nếu nhân lên với số lượng hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu USD. Số tiền này có thể dùng để mở rộng sản xuất, thuê nhân công, đầu tư máy móc mới.

Tiết kiệm từ 5-30% năng lượng

Chế biến thủy sản là một trong những ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong đó, việc sử dụng năng lượng tập trung chủ yếu ở các thiết bị đông lạnh, các thiết bị sản xuất đá, kho lạnh và sản xuất nước lạnh chiếm hơn 80% năng lượng trong một nhà máy.

Theo khảo sát từ Tổ chức tài chính quốc tế IFC tại 21 nhà máy chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2009, để làm ra 1 tấn tôm thành phẩm, cần từ 139-188 KOE (kg dầu tương đương). Trong khi đó, 1 tấn cá thành phẩm cần từ 68-92 KOE.

Khi ngành thủy sản trong nước phải cạnh tranh với ngành thủy sản của các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…thì việc giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm là một lộ trình tất yếu. Trong đó, tiết kiệm năng lượng trong hoạt động chế biến thủy sản là giải pháp hữu hiệu.

Các chuyên gia quốc tế ước tính, các cơ sở chế biến thủy sản ở Việt Nam có thể tiết kiệm từ 5-30% năng lượng so với mức tiêu thụ hiện tại. Nếu nhân lên với số lượng hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước, mỗi năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu USD. Số tiền này có thể dùng để mở rộng sản xuất, thuê nhân công, đầu tư máy móc mới.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thủy sản ở nước ta là không nhỏ. Thế nhưng, hiện tại, nói đến tiết kiệm năng lượng, nhiều nhà máy mới chỉ nghĩ đến việc nâng cấp máy móc. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, ngoài việc đầu tư máy móc, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các biện pháp kỹ thuật, quản lý và thay đổi tập quán sản xuất.

Tiết kiệm từ những giải pháp đơn giản

Một biện pháp đơn giản nhất đó là tiết kiệm năng lượng từ các kho lạnh. Các kho lạnh cần được chú ý để đảm bảo cách nhiệt, cách ẩm tốt. Ngoài ra, kho lạnh cần được trang bị cửa đóng tự động có độ kín cao có tấm chắn tản nhiệt trước cửa bốc dỡ hàng.
Doanh nghiệp cũng nên tránh tình trạng phân tán hàng hóa tại nhiều kho đông lạnh khác nhau, khiến không kho nào đầy hàng mà lại lãng phí điện năng vô cùng lớn. Hàng hóa nên được tập trung tại một kho, được xếp ngăn nắp, đồng đều để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Khi vận hành kho lạnh, cần chú ý đến nhu cầu của từng loại sản phẩm, để có thể chuyển đổi nhiệt độ cho linh hoạt và phù hợp.

Về việc sử dụng nước, doanh nghiệp có thể tận dụng lượng nước lạnh thải ra từ khâu mạ băng tôm, mực để cung cấp cho hệ thống điều hòa không khí trong các phân xưởng. Với phương pháp sử dụng nước nóng để làm vệ sinh nhà xưởng theo cách truyền thống, doanh nghiệp có thể thay thế bằng việc dùng máy phun nước áp lực lớn, giúp giảm từ 60-80% lượng nước và giảm lượng điện năng tiêu thụ tại các giếng bơm.

Doanh nghiệp cũng nên bố trí thời gian sản xuất và vận hành các thiết bị máy móc hợp lý, hạn chế vận hành vào giờ cao điểm, tranh thủ vận hành vào giờ thấp điểm như sản xuất đá vảy hoặc dự trữ nước lạnh.

Một vấn đề mới nổi lên là nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đang sử dụng công suất quá non tải so với công suất đăng kí với đơn vị cung cấp điện. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu thu gom đầu vào của các doanh nghiệp mang tính thời vụ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, khiến dây chuyền của các nhà máy không thể hoạt động đúng công suất. Công suất non tải gây ra sự tổn hao năng lượng không hề nhỏ cho ngành điện.

Để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp chế biển thủy sản cần phối hợp với các đơn vị cung cấp điện, thỏa thuận phương pháp sử dụng điện tại các trạm biến áp để phù hợp với công suất sử dụng thực tế.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến các biện pháp quản lý năng lượng trong tòa nhà thông qua việc áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng như ISO 50001, HACCP…Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng, cũng như tăng cường ý thức tiết kiệm năng lượng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại nhà máy.