[In trang]
Mô hình trình diễn chè đen xuất khẩu: Điển hình cần nhân rộng
Thứ năm, 08/08/2013
Sau khi vận hành đạt 100% công suất, mô hình trình diễn chè đen xuất khẩu sẽ giúp DN đạt mức lợi nhuận trung bình 1,822 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng... Đây là cơ sở để Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang xem xét nhân rộng mô hình.

Sau khi vận hành đạt 100% công suất, mô hình trình diễn chè đen xuất khẩu sẽ giúp DN đạt mức lợi nhuận trung bình 1,822 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng... Đây là cơ sở để Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang xem xét nhân rộng mô hình.

Là tỉnh có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây chè, những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung đầu tư thâm canh để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng chè đưa cây chè trở thành một trong những cây trồng chủ yếu ở địa phương. Tính đến hết năm 2012, diện tích chè của Tuyên Quang đạt khoảng 8.015 ha, năng suất bình quân 78 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 57.360 tấn/năm.

Cùng với việc hỗ trợ giống, vật tư cho bà con nông dân, Sở Công Thương Tuyên Quang cũng dành nhiều ưu đãi cho các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo nền tảng vững chắc cho cây chè của tỉnh phát triển. Đơn cử, năm 2013, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ cho Công ty Cổ phần Chè Sông Lô (xã Kim Phú, huyện Yên Sơn) xây dựng Mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu.

Mô hình có tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, kinh phí khuyến công hỗ trợ 250 triệu đồng. Mô hình đã đầu tư những thiết bị rất hiện đại như: Máy làm héo, máy vò chè, máy sấy khô, máy phân loại....

Theo ông Ngô Đức Tú, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chè Sông Lô: Việc đưa dây chuyền này vào sản xuất không chỉ khiến năng suất tăng, giảm tiêu hao nguyên liệu mà chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn hẳn. Chè có màu nước đỏ nâu viền vàng, vị chát dịu, hương thơm nhẹ và cánh chè có màu sắc nâu đen tự nhiên…

Ông Tú cũng cho biết, với chất lượng nổi trội sản phẩm chè đen của công ty hiện được người tiêu dùng tại một số thị trường như: Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Ấn Độ, Pakistan, Đài Loan,Trung Quốc... ưa chuộng và công ty cũng đã xuất khẩu rất tốt sang những thị trường này. Sản phẩm chè đen của công ty hiện cũng đã được tiêu thụ một phần trong nước. Sắp tới, khi mô hình vận hành ổn định, đảm bảo 100% công suất, sản lượng chè tăng công ty sẽ triển khai kế hoạch mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Như vậy, qua thời gian vận hành thử nghiệm mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu đã phần nào khẳng định hiệu quả. Với công suất 4.500 tấn sản phẩm/năm, sau khi trừ chi phí DN sẽ thu được 2,430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng hàng năm là 1,822 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 6,5 năm. Bên cạnh lợi ích rõ ràng về kinh tế cho doanh nghiệp, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu còn giúp tạo việc làm mới cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 2-2,5 triệu đồng/người/ tháng.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, cho rằng: Qua thực tế và những phân tích, đánh giá có thể thấy mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chè đen xuất khẩu đã và sẽ đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội lớn cho địa phương, khu vực lân cận. Đặc biệt, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương./.