[In trang]
Giải pháp phối kết hợp: Để ngành khai khoáng “sản xuất sạch hơn”
Thứ ba, 11/06/2013
Theo báo cáo ngành thuế, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản (khai khoáng) đã đóng góp ngân sách hàng năm hơn 100 tỷ đồng. Ngành công nghiệp (CN) này đã cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) song đây cũng là ngành CN “nhạy cảm” với các hậu quả: hủy hoại, ô nhiễm môi trường (ONMT).

Theo báo cáo ngành thuế, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản (khai khoáng) đã đóng góp ngân sách hàng năm hơn 100 tỷ đồng. Ngành công nghiệp (CN) này đã cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) song đây cũng là ngành CN “nhạy cảm” với các hậu quả: hủy hoại, ô nhiễm môi trường (ONMT).

Báo động về thực trạng sản xuất chưa…sạch

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 41 giấy phép khai khoáng còn hiệu lực. Trong đó có 25 giấy phép đá xây dựng, 12: sét gạch ngói, 2: cát xây dựng, 2 kaolin. Trong đó, có 37 mỏ đang hoạt động khai thác, với diện tích hàng trăm ha.

Bên cạnh những đóng góp, hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời gây biến đổi cảnh quan môi trường sau khai thác.

Nặng nề nhất là “hậu” khai thác đá, với những hầm mỏ chiếm diện tích hàng trăm ha đất, với độ sâu khai thác lớn, đã làm biến đổi cảnh quan môi trường. Tại các khu vực khai thác, thảm thực vật bị biến mất do quá trình bốc tầng phủ và tạo ra địa hình âm so với bề mặt địa hình chung của khu vực. Các moong sau khi khai thác thường có đáy lồi lõm, các vách bờ moong thẳng đứng, có thể gây trượt lở nguy hiểm. Mà việc cải tạo, khôi phục là việc không thể.

Bên cạnh môi trường bị hủy hoại, hiện trạng ONMT không khí do bụi, tiếng ồn trong việc khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản cũng rất đáng báo động. Kết quả quan trắc tại các khu vực khai thác và chế biến đá xây dựng trên địa bàn tỉnh như xã Thường Tân của huyện Tân Uyên, phường Tân Đông Hiệp và phường Bình An của thị xã Dĩ An, xã An Bình của huyện Phú Giáo, cho thấy ô nhiễm bụi và tiếng ồn đã vượt mức cho phép, gây tác động đến cuộc sống của người dân xung quanh khu vực mỏ. Đối với các mỏ khai thác sét và cao lanh thì vấn đề ô nhiễm không khí trong khai thác và chế biến không lớn. Nhưng việc hủy hoại môi trường cũng rất đáng báo động.Và các dòng sông kiệt quệ dần, với nạn bơm hút cát “lậu” hàng đêm, không theo một quy chuẩn thiết kế nào…

Cái khó trong kiểm tra và xử lý

Để tăng cường quản lý việc lập bến bãi kinh doanh, khai thác, vận chuyển khoáng sản, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường (BVMT), UBND tỉnh đã ra quyết định 1958/QĐ-UBND ngày 7-7- 2011, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (gọi tắt là đoàn 1958), phối hợp với địa phương và các tỉnh thành giáp ranh tiến hành kiểm tra 22 tổ chức, cá nhân khai thác điểm khai thác và kinh doanh khoáng sản, VLXD. Trong đó phối hợp Tây Ninh kiểm tra 4 đơn vị có giấy phép trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Qua kiểm tra, đoàn 1958 đã phát hiện hàng loạt trường hợp khai thác, kinh doanh không phép, trái phép, gian lận, bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai để trốn thuế...

Đoàn kiểm tra theo định kỳ, sáng đến, chiều đi, còn địa phương, cấp quản lý trực tiếp “thường trực” ở địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Hồ Phương Nam, Phó chủ tịch huyện Bến Cát đã nêu những thủ thuật lách luật trong khai khoáng: “Khi chính quyền ra thông báo chuẩn bị đóng cửa mỏ thì các công ty đối phó bằng cách tăng công suất khai thác. Và tuy bắt quả tang vi phạm, nhưng vẫn không xử lý được do quản lý chồng chéo, kém hiệu quả. Như vừa qua có một vụ vi phạm có đến 3 biên bản xử lý của 3 cấp. Địa phương, công an huyện và Sở TN&MT ra quyết định xử phạt, tịch thu ghe, tang vật vi phạm khai thác, chuyên chở khoáng sản trái phép. Nhưng cả 3 cấp đã bị chủ ghe kiện ngược lại. Các cấp chính quyền phải ra hầu tòa và… thua kiện. Do một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo nêu khó khăn về sự “rò rỉ” thông tin: “Ở huyện Phú Giáo hoạt động khai thác trái phép ở các mỏ đá, cao lanh, đất sét rất phổ biến. Thế nhưng, khi đoàn kiểm tra của huyện đến, thì các hoạt động này lại rút vào “bí mật”.

Và ông Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương: “Hành vi khai thác cát lậu trên sông Sài Gòn, Đồng Nai và nhiều khu vực trong tỉnh đang trở nên nhức nhối. Nhiều DN còn dùng hóa đơn mua cát trôi nổi từ nhiều tỉnh, thành ở miền Tây, để hợp thức hóa việc bơm hút cát “lậu”. Ông Phan Văn Cường, Phó phòng Cảnh sát Phòng chống tôi phạm (PCTP) về môi trường cho biết về khó khăn nguy hiểm của việc kiểm tra khai thác cát lậu: “Nhiều ghe bơm hút cát lậu vào ban đêm.Khi lực lượng kiểm tra đến, các đối tượng rút “lỗ lù”, cho chìm ghe xuống đáy sông, phi tang và tẩu thoát. Người kiểm tra bị té sông, từ chết đến bị thương. Sau đó thuê mướn trục vớt tàu chìm lên để xử lý, cũng không ai dám trục vớt…”

Vai trò của địa phương và giải pháp phối kết hợp

Qua hơn một năm hoạt động, đoàn kiểm tra 1958 đã góp phần đưa hoạt động khai khoáng ở Bình Dương đi vào nề nếp. Song do là đoàn liên ngành và kiêm nhiệm, nên hiệu quả còn hạn chế. Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Về phía ủy ban sẽ tiếp tục thành lập đoàn năm 2013 và tích cực đầu tư các phương tiện: máy GPS định vị, áo phao… để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra và xử lý tình hình khai khoáng trên địa bàn”. Đồng chí cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở: “Cần thực hiện tốt hơn nữa chỉ thị số 11/2012/CT-UBND,ngày 13-8-2012, của UBND tỉnh, tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng KS trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đối với UBND các huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn bên cạnh việc tuyên truyền cần phối hợp với chính quyền các huyện, thị, giáp ranh kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển, tập kết cát dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và khu vực hồ Dầu Tiếng. Song song đó, nắm vững địa bàn, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển KS trái phép diễn ra trên địa bàn mình quản lý, nếu không ngăn chặn, gây bức xúc trong nhân dân, Chủ tịch UBND huyện, thị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND tỉnh...”

Thị xã Thuận An đã có cách làm rất hay, rất nhanh và “rất sạch”. Qua kiểm tra 18 điểm gây ONMT, UBND thị xã đã thuê máy móc để xác định mức độ ONMT, ra quyết định cưỡng chế, đối thoại, đập nhà, giữ phương tiện, trả lại sự trong lành cho môi trường. Được biết, Phòng cảnh sát PCTP về môi trường, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, đã ký quy chế phối hợp chống khai khoáng trái phép vùng giáp ranh với tỉnh Tây Ninh, TP. HCM, Đồng Nai. Với quy chế này, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, “đấu tranh không biên giới” trong công tác hết sức nhạy cảm này, để ngành CN khai khoáng đóng góp nhiều nhất cho xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt hạn chế,giải pháp tối ưu là sự tăng cường quản lý nhà nước, cùng với phối kết hợp các ngành, các cấp một cách đồng bộ, chặt chẽ. Và quan trọng nhất có lẽ là ý thức của các DN trong ngành khai khoáng, trong việc cân nhắc giữa khai thác và bảo vệ môi trường, giữa lợi nhuận và đóng góp xây dựng một môi trường sống có chất lượng hơn.