[In trang]
Sản xuất sạch hơn để phát triển bền vững
Thứ hai, 06/05/2013
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, Sản xuất sạch hơn cũng là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, Sản xuất sạch hơn cũng là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Sản xuất sạch hơn là gì?
 
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp quốc đã định nghĩa Sản xuất sạch hơn là: Việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. 

Cụ thể: Đối với quá trình sản xuất: sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.
 
Đối với sản phẩm: sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.
 
Đối với Dịch vụ: Sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.
 
Đối với phát triển con người:  Sản xuất sạch hơn giảm thiểu các yếu tố rủi ro tác động tới sức khỏe con người và hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững.
 
Các giải pháp để thực hiện sản xuất sạch hơn:

Các giải pháp sản xuất sạch hơn không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị, mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp. Các giải pháp sản xuất sạch hơn có thể được chia thành các nhóm sau:
  • Giảm chất thải tại nguồn.
  • Tuần hoàn
  • Cải tiến sản phẩm.
Giảm chất thải tại nguồn có thể thực hiện bằng các giải pháp sau đây:
  • Quản lý nội vi
  • Kiểm soát quá trình xả thải tốt hơn
  • Thay đổi nguyên liệu phù hợp hơn
  • Cải tiến thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng tốt hơn, ít thải độc hại hơn
  • Áp dụng công nghệ sản xuất mới
Giải pháp tuần hoàn: có thể thực hiện bằng các giải pháp sau đây:
  • Tận thu nguyên nhiên vật liệu, tái sử dụng tại chỗ
  • Tạo ra các sản phẩm phụ từ chất thải của các quá trình sản xuất ra sản phẩm chính
Giải pháp Cải tiến sản phẩm có thể thực hiện bằng các giải pháp sau đây:
  • Thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng hoàn thiện, tiện dụng nhưng tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm tiêu hao năng lượng
  • Thay đổi bao bì sản phẩm, sử dụng bao bì từ các nguồn tái chế hoặc các chất liệu phù hợp hơn
Hiệu quả khi thực hiện Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải:
 
Giúp cho Doanh nghiệp giảm thiểu được chi phí sản xuất, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao uy tín doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội địa phương và tránh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ những ích lợi đó Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải tốt sẽ giúp cho Doanh nghiệp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, nguyên, nhiên liệu, tăng hiệu quả quay vòng vốn đầu tư sản xuất,  kinh doanh, từ đó tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận kinh doanh.
 
Với những lợi ích khi thực hiện Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải ngoài việc mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho Doanh nghiệp còn thể hiện tầm chiến lược phát triển của doanh nghiệp phù hợp với sự tiến bộ của thời đại, ý thức bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững.
 
Đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay, nếu áp dụng được quy trình Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận được các nguồn tài chính từ các chương trình ưu tiên của chính phủ cũng như các Tổ chức Quốc tế.
 
Rào cản lớn nhất với các Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi quyết định thực hiện Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải là sự thiếu thông tin cũng như kiến thức chuyên môn về các vấn đề công nghệ sản xuất, ý thức về bảo vệ môi trường và nhận thức về luật bảo vệ môi trường chưa rõ ràng, khả năng về tài chính còn hạn chế.
 
Vậy bao giờ là thời điểm để vượt qua các rào cản trên và làm thế nào để bắt đầu?
 
Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay bằng việc Người lãnh đạo doanh nghiệp xác định áp dụng Sản xuất sạch hơn và Quản lý chất thải để phát triển Doanh nghiệp.
 
Từ cam kết của người lãnh đạo, các bộ phận trong doanh nghiệp hãy lập bảng chi tiết quy trình công nghệ từ khâu bắt đầu đến khâu kết thúc một quá trình sản xuất.
 
Trên cơ sở quy trình đó hãy tìm một việc làm dễ nhất để thực hiện. Theo dõi và đánh giá hiệu quả của việc áp dụng sáng kiến mới trong quy trình đó. Rút ra bài học kinh nghiệm và thực hiện cho các quy trình tiếp theo.
 
Khi đánh giá được hiệu quả, hãy liên hệ với chúng tôi để bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp của bạn được lan tỏa trong cộng đồng, thậm chí ngay cả khi bạn chưa thành công cũng hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giúp đỡ để bạn đi đến thành công.