[In trang]
Cơ chế tài chính cho sản xuất sạch hơn: Công cụ đắc lực
Thứ năm, 11/06/2015
Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã được ban hành thì cơ chế tài chính của các tổ chức tín dụng được xem là công cụ đắc lực nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động SXSH tại các doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020, ngoài các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã được ban hành thì cơ chế tài chính của các tổ chức tín dụng được xem là công cụ đắc lực nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động SXSH tại các doanh nghiệp.

Cùng với một số dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, hiện toàn quốc đang có 41 quỹ bảo vệ môi trường, trong đó có 39 quỹ bảo vệ môi trường địa phương, 01 quỹ bảo vệ môi trường của ngành than và 01 quỹ bảo vệ môi trường quốc gia. Theo đó, nguồn vốn hoạt động của các quỹ này là những nguồn thu từ ngân sách nhà nước; phí bảo vệ môi trường; các khoản bồi thường cho nhà nước về thiệt hại môi trường; các khoản hỗ trợ, đóng góp, ủy thác… Đây là những nguồn tài chính quý giá cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay để triển khai các dự án như đổi mới công nghệ, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) cho biết: “Tính từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã cho vay với tổng số 183 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng số tiền cho vay là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 32 dự án đầu tư trong các KCN với tổng số tiền cho vay khoảng 383 tỷ đồng bằng tiền vốn ngân sách. Các dự án cho vay chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam được đầu tư trong lĩnh vực xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Năm 2015, VEPF cho vay ưu đãi các dự án đầu tư bảo vệ môi trường là 3,6%/năm và mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường là 2,4%/năm”.

Thời gian qua, VEPF đã hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các chương trình, dự án quy mô quốc gia, liên ngành, liên vùng, giải quyết các vấn đề môi trường cục bộ. Đặc biệt, quỹ đã có nhiều đóng góp tích cực cho vay vốn ưu đãi để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trong các KCN.

Bên cạnh VEPF, Quỹ ủy thác tín dụng xanh (được thành lập theo sáng kiến của Cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ - SECO) với mục tiêu thúc đẩy đầu tư trung và dài hạn cho công nghệ sạch hơn, nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp và dịch vụ Việt nam, đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với đầu tư vào công nghệ sạch. Quỹ ủy thác tín dụng xanh sẽ bảo lãnh đến 50% tổng giá trị khoản vay từ ngân hàng cho doanh nghiệp (khi doanh nghiệp cần vay để đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất sạch hơn, cải thiện môi trường.…) và thưởng đến 25% tổng giá trị khoản vay khi dự án đạt trên 50% mức độ cải thiện môi trường, thưởng 15% khi đạt trên 30% mức độ cải thiện môi trường. Mức thưởng tối đa một dự án là 200 nghìn USD. Thời gian quỹ cho vay một dự án kéo dài từ 2-3 năm và có thể hỗ trợ bảo đảm tín dụng từ 10 nghìn USD đến 1 triệu USD cho một dự án. Tuy nhiên, quỹ không can thiệp vào chính sách lãi suất của các ngân hàng và lãi suất này do doanh nghiệp thỏa thuận với ngân hàng.

Cùng với các tổ chức tín dụng trên, chương trình đầu tư cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn nằm trong chương trình toàn cầu của Công ty tài chính quốc tế IFC về tài trợ năng lượng bền vững cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc hướng đến mục tiêu sản xuất xanh - phát triển bền vững.

Chương trình này sẽ tạo nguồn tài chính cho các dự án đầu tư sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong các ngành công nghiệp và toà nhà thương mại. Chươg trình hợp tác với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ ngân hàng xây dựng chiến lược thị trường và các sản phẩm tài chính chuyên biệt nhằm vào các doanh nghiệp đang muốn thay thế, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất và công nghệ để đạt hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm và giảm tác động tới môi trường. Chương trình được cho vay thông qua 2 ngân hàng Techcombank và Vietinbank. Từ năm 2010 đến nay, chương trình đã cam kết cho vay trên 10 dự án với tổng số vốn cam kết trên 50 triệu USD.

Như vậy, cơ chế tài chính dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhằm đổi mới công nghệ, kiểm soát ô nhiễm cuối nguồn khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi tổ chức quỹ đều có những đặc thù, tiêu chí về loại hình, đối tượng, dự án cho vay riêng biệt, do vậy các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải tìm hiểu kỹ xem dự án của mình phù hợp tiêu chí của quỹ nào để từ đó tiến hành làm hồ sơ đề nghị vay./.