[In trang]
“Phao” cho các dự án sản xuất sạch hơn
Thứ tư, 30/10/2013
Giữa tháng 10 vừa qua, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đã được khởi động tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Gần 10 năm hoạt động, nguồn vốn từ Quỹ này đã và đang trở thành “phao” cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn (SXSH).

Giữa tháng 10 vừa qua, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đã được khởi động tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Gần 10 năm hoạt động, nguồn vốn từ Quỹ này đã và đang trở thành “phao” cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn (SXSH).

Ngày 15/10, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cơ chế tài chính cho vay đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là Hợp phần 2 của Dự án Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy (thuộc Dự án VIPM) do WB cho Chính phủ Việt Nam vay với  khoản vay 50 triệu USD nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là đơn vị thực hiện Hợp phần 2, có nhiệm vụ nhận ủy thác 21,06 triệu USD từ nguồn vốn vay của WB để cho các chủ đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp vay lại  trên địa bàn 4 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, đối tượng cho vay vốn từ quỹ này là doanh nghiệp Việt Nam - chủ đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, được mở rộng hoặc tiến hành đầu tư mới tại 4 tỉnh của dự án. Chủ đầu tư có thể vay tối đa 75% tổng mức đầu tư; số tiền  cho vay tối đa 1 dự án là 4 triệu USD (tối đa với 1 chủ đầu tư là 5 triệu USD); mức lãi suất cho vay 6,8%, được giữ nguyên suốt thời gian vay; thời gian vay tối đa 15 năm, thời gian ân hạn 2 năm… Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã bày tỏ quan tâm đến nguồn vốn này, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tiến hành thẩm định 3 dự án. Tại Hội thảo, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Tổng công ty Tín Nghĩa đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ  vốn cho Dự án đầu tư mở rộng Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 ( Đồng Nai).

Cùng với dự án trên, suốt 10 năm hoạt động (bắt đầu từ năm 2002), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã hoạt động với hình thức là một trong những nguồn vốn cho vay ưu đãi hữu ích với các dự án bảo vệ môi trường, SXSH. Với lãi suất cho vay ưu đãi 5,4%/năm, thời hạn cho vay không quá 10 năm và mức hỗ trợ cho vay không vượt quá 70% trên tổng mức đầu tư dự án, các nguồn vốn vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là một trong những nguồn vốn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, hướng đến SXSH. Tính đến nay, quỹ đã thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi tới 156 dự án với tổng số vốn cho vay hơn 950 tỷ đồng; tài trợ cho 46 dự án, chương trình bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng. Các dự án được quỹ hỗ trợ trải đều trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, quỹ tiếp nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản của 109 dự án với số vốn hơn 64 tỷ đồng; tiếp nhận hơn 41 tỷ đồng tiền lệ phí bán/chuyển tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs) để trợ giá điện gió và hỗ trợ hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu với số tiền hơn 40 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phương, các dự án thuộc nhóm Triển khai các công nghệ sạch, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng trong năm 2012 vẫn còn ít, chỉ có 19 dự án với tổng số vốn vay đạt hơn 33 tỷ đồng. Do đó, quỹ đang ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các dự án thuộc các lĩnh vực: xử lý chất thải công nghiệp (khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp); Xử lý nước thải; Xử lý rác thải sinh hoạt; Triển khai các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường, xã hội hóa thu gom rác thải. Dự án của các DN nhằm hướng đến SXSH, trong đó có những hạng mục thay đổi công nghệ nhằm kiểm soát ô nhiễm đầu nguồn, xử lý nước thải, chất thải… đều đang thuộc danh mục các dự án được ưu tiên hỗ trợ cho vay.

Trong hoàn cảnh các giải pháp đầu tư công nghệ để SXSH đang ngày một trở nên cấp thiết, việc tìm nguồn vốn vay ưu đãi trở thành nhu cầu lớn của DN. Do đó, nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã và đang trở thành “phao” cho các dự án này./.