[In trang]
Bình Phước: Hiệu quả thiết thực từ các Đề án Khuyến công, tiết kiệm năng lượng và SX sạch hơn trong CN
Thứ ba, 29/10/2013
Với nguồn kinh phí gần 4 tỷ đồng hỗ trợ từ TW và địa phương, các đề án khuyến công, tiết kiệm năng lượng và SX sạch hơn trong CN mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước triển khai đã phát huy được hiệu quả.

Với nguồn kinh phí gần 4 tỷ đồng hỗ trợ từ TW và địa phương, các đề án khuyến công, tiết kiệm năng lượng và SX sạch hơn trong CN mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước triển khai đã phát huy được hiệu quả.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ trên, đã góp phần cho cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp …Qua đó góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2013, Trung tâm đã xây dựng và triển khai 12 đề án khuyến công địa phương; 5 đề án khuyến công Quốc gia; 06 đề án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp ngân sách địa phương; 01 đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngay từ đầu năm Trung tâm đã hỗ trợ cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ Công Thương khu vực Đông Nam Bộ và triển lãm chuyên ngành Cao su Việt Nam. Về công tác đào tạo nghề, đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 400 lao động nông thôn. Cụ thể với kinh phí Khuyến công địa phương đã tổ chức 03 lớp đào tạo nghề: Thêu tranh chữ thập cho lao động tại Công ty TNHH SX TMDV Trần Gia, thị xã Đồng Xoài; Làm chổi đót cho lao động tại cơ sở Trung Kiên, thị xã Đồng Xoài; Dệt thổ cẩm cho người đồng bào dân tộc Stiêng tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Với các đề án khuyến công được Bộ Công Thương phê duyệt, Trung tâm đã triển khai thực hiện 10 lớp đào tạo nghề chế biến điều tại: Công ty TNHH Tấn Toàn, Công ty TNHH Lành Hưởng - thị xã Phước Long; Công ty TNHH MTV Tuấn Bông, Công ty TNHH Hưng Hằng Công ty TNHH Quỳnh Như - huyện Đồng Phú; DNTN Thiên Mã - huyện Bù Gia Mập.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đã hoàn thành các đề án ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, gồm: Ứng dụng máy chọn màu trong dây chuyền chế biến điều cho công ty TNHH Nam Sơn; Ứng dụng máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều trong dây chuyền chế biến điều cho công ty TNHH Hưng Hằng; Ứng dụng hệ thống nồi hơi trong dây chuyền chế biến điều cho DNTN Hoàng Khuân; Ứng dụng dây chuyền ép gạch tự động trong sản xuất gạch Terrazzo cho cơ sở Nguyên Phước; Ứng dụng hệ thống máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều trong dây chuyền chế biến hạt điều tại DNTN Tuyên Tuyết. Triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Thành Được.

Song song đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan phát hành 2 Bản tin Công Thương đến 700 đơn vị, phát sóng 3 chuyên mục Khuyến công, 3 chuyên mục Tiết kiệm năng lượng trên Đài truyền hình Bình Phước. Phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng-Bộ Công Thương triển khai thực hiện đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2013: Xây dựng mô hình sử dụng khí sinh học (biogas) chạy máy phát điện cho 02 trang trại chăn nuôi (Hộ chăn nuôi Nguyễn Trung Hưng tại huyện Lộc Ninh và trang trại chăn nuôi Chiến Hiền tại huyện Hớn Quản). Bên cạnh việc thực hiện các đề án được xây dựng phê duyệt, Trung tâm đã thực hiện tốt hoạt động Tư vấn và các công tác khác như tham mưu giúp giám đốc Sở Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Bình Phước năm 2012; Thực hiện đề tài khoa học “Giải pháp phát triển nghề mộc mỹ nghệ và gia dụng trên địa bàn tỉnh”;  Phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện hoàn thành đề án “Đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội tỉnh Bình Phước sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các giải pháp và điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp” trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phát huy kết quả đạt được, Trung tâm tỉnh dự kiến từ nguồn vốn của Trung ương và Ngân sách địa phương, từ nay đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời sẽ triển khai xây dựng kế hoạch 2014, trong đó tập trung vào hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở một số ngành nghề có lợi thế của địa phương như chế biến điều, sản xuất vật liệu xây dựng, gỗ mỹ nghệ, sản xuất gia công cơ khí nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… Việc tổ chức xây dựng đề án chặt chẽ, có sự phối hợp của các ngành, các địa phương thì sẽ có tính khả thi cao.

Có thể nói những đề án đã được triển khai đúng kế hoạch, có kiểm tra, giám sát, các nội dung đề án phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của đối tượng thụ hưởng nên đã phát huy được hiệu quả cao. Các đề án do Trung tâm triển khai đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập.