Xu hướng chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp đồ uống
Thứ hai, 28/07/2025
Ngành đồ uống Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn giá trị, nhưng cũng đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngành đồ uống Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn giá trị, nhưng cũng đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cuộc đua chuyển đổi xanh trong ngành đồ uống không còn là lựa chọn, mà là đòi hỏi bắt buộc để tồn tại và phát triển lâu dài.
Sức ép từ nhiều phía
Với cơ cấu dân số trẻ, quy mô lớn và thu nhập bình quân đầu người ngày càng cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất đồ uống trong nước và quốc tế. Tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự thay đổi trong lối sống và thói quen tiêu dùng, đã tạo nên một bức tranh thị trường sôi động, giàu tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.
Sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn khó khăn đã tiếp thêm lực đẩy cho ngành đồ uống tăng trưởng mạnh mẽ. Theo các báo cáo gần đây, thị trường ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 12,5% trong nửa đầu năm 2025, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 8 - 9% của những năm trước. Dự báo đến cuối năm, tổng giá trị thị trường đồ uống Việt Nam có thể đạt khoảng 8,5 tỷ USD, con số này cho thấy dư địa phát triển rất lớn và sức hút ngày càng mạnh mẽ của ngành hàng này.

Thị trường đồ uống có xu hướng tăng trưởng mạnh trong năm 2025 (Ảnh: kinhtedouong)
Mặc dù ngành đồ uống là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những ngành tạo ra lượng bao bì thải lớn nhất, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, bao bì hỗn hợp và chai PET khó phân hủy.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang ưu tiên những sản phẩm "có đạo đức", nghĩa là có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại đến môi trường và xã hội. Theo báo cáo của Nielsen (2024), có tới 73% người tiêu dùng thành thị sẵn sàng trả thêm chi phí cho sản phẩm có bao bì tái chế hoặc thân thiện môi trường. Gen Z và Millennials chính là lực lượng đi đầu trong làn sóng "tiêu dùng xanh".
Còn ở góc độ chính sách, từ năm 2025, Việt Nam chính thức triển khai quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với nhóm sản phẩm bao bì, bao gồm cả bao bì sử dụng trong ngành thực phẩm và đồ uống. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đồ uống phải có trách nhiệm thu gom, tái chế bao bì sau tiêu dùng hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để thực hiện hoạt động này. Đây là bước đi quan trọng nhằm giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường, thúc đẩy các giải pháp bao bì thân thiện và khuyến khích ngành đồ uống hướng tới mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
Những yếu tố này tạo nên áp lực rất lớn buộc doanh nghiệp đồ uống phải thích ứng. Nếu không thay đổi, họ không chỉ bị mất thị phần vào tay các thương hiệu xanh hơn, mà còn có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu do không đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Chuyển đổi để thích ứng
Để đáp ứng các đòi hỏi chuyển đổi từ thực tiễn, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đồ uống tại Việt Nam đã và đang triển khai chiến lược phát triển bền vững, coi đó là yếu tố sống còn để giữ vững thị phần và nâng cao giá trị thương hiệu trong dài hạn.
Coca-Cola Việt Nam từ năm 2023 đã chuyển đổi toàn bộ chai nước Dasani và một phần lớn sản phẩm nước ngọt sang chai nhựa tái chế (rPET). Doanh nghiệp cũng phối hợp với các hệ thống bán lẻ như Winmart, Coopmart triển khai chương trình thu gom vỏ chai “Mỗi chai, một hành trình”, đồng thời tham gia sáng kiến tái chế bao bì với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Coca-Cola Việt Nam từ năm 2023 đã chuyển đổi toàn bộ chai nước Dasani và một phần lớn sản phẩm nước ngọt sang chai nhựa tái chế (rPET). Doanh nghiệp cũng phối hợp với các hệ thống bán lẻ như Winmart, Coopmart triển khai chương trình thu gom vỏ chai “Mỗi chai, một hành trình”, đồng thời tham gia sáng kiến tái chế bao bì với Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (trừ nắp và nhãn chai) của Cocacola
TH True Milk không chỉ dừng lại ở bao bì giấy mà còn sử dụng ống hút giấy cho các dòng sữa học đường. Bên cạnh đó, tập đoàn đầu tư vào hệ sinh thái khép kín tại trang trại Nghĩa Đàn (Nghệ An), sử dụng năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước thải và xử lý phân bò thành phân bón hữu cơ. Đây là một trong những mô hình sản xuất sữa tuần hoàn tiêu biểu tại Việt Nam.
Còn Nestlé Việt Nam, thông qua chương trình Nescafé Plan đang xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững tại Tây Nguyên, hướng dẫn nông dân giảm phân hóa học, sử dụng phân ủ hữu cơ, tiết kiệm nước tưới và trồng cây che bóng giúp giảm nhiệt độ đất và giảm phát thải khí nhà kính. Trong khâu sản xuất, nhiều nhà máy của Nestlé đã đạt tiêu chuẩn phát thải thấp, sử dụng khí sinh học và tận dụng năng lượng tái tạo.
Ở quy mô nhỏ hơn, nhiều startup trong lĩnh vực nước ép, trà lạnh và sữa hạt cũng bắt đầu sử dụng chai thủy tinh hoàn trả, túi giấy kraft hoặc bao bì phân hủy sinh học. Mô hình “refill station” (trạm hoàn trả) đang được một số cửa hàng triển khai thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội, tuy còn mới nhưng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người tiêu dùng.
Hướng đi bền vững
Theo các chuyên gia nhận định, để đạt được sự phát triển bền vững thực chất, ngành đồ uống cần đổi mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Với bao bì sản phẩm, các doanh nghiệp nên thiết kế bao bì theo hướng thân thiện với môi trường: sử dụng một loại vật liệu duy nhất để dễ tái chế, có thể tái sử dụng nhiều lần, đồng thời thu gọn kích thước và trọng lượng nhằm tiết kiệm nguyên liệu.
Với công nghệ, các giải pháp tiết kiệm nước, điện năng và tối ưu xử lý chất thải là yếu tố then chốt. Điển hình như tại Công ty TNHH URC Hà Nội đã áp dụng hệ thống chiếu sáng LED, tần số biến đổi cho máy bơm, hệ thống bơm lại nước rửa chai và chuyển từ khí đốt FO sang biomass. Nhờ đó, đơn vị này giảm mức tiêu thụ năng lượng từ 2–7% mỗi năm
Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001 (quản lý môi trường) và ISO 50001 (sử dụng năng lượng hiệu quả) giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu năng lượng, tăng cường quyền tiếp cận nguồn vốn xanh và tín chỉ carbon. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chứng nhận ISO 14001 để cải tiến hiệu suất tài nguyên và đảm bảo tuân thủ pháp luật. ISO 50001 cũng giúp tổ chức tiếp cận các chiến lược cắt giảm phát thải CO₂ và nâng cao sức chống chịu với biến động chi phí năng lượng

Phát triển hệ thống thu gom, tái chế bao bì cần sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Hình thức Deposit Return Scheme (DRS) – với khoản tiền đặt cọc hoàn lại khi trả chai nhựa hoặc lon nhôm đang được nghiên cứu triển khai ở Việt Nam. Theo báo cáo, DRS có thể giảm phát thải nhựa đại dương và nâng tỷ lệ thu gom/lọc lên trên 90%.
EPR (Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất) đang được áp dụng từ năm 2025 đối với bao bì, buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu gom hoặc đóng góp tài chính để xử lý chất thải hậu tiêu dùng. Đây vừa là yêu cầu pháp lý, đồng thời là cơ hội xây dựng thương hiệu có trách nhiệm và bền vững.
Truyền thông minh bạch về nỗ lực bền vững là yếu tố sống còn trong chiến lược xây dựng thương hiệu hiện đại. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến tác động môi trường của sản phẩm, doanh nghiệp không chỉ cần hành động thực chất mà còn phải truyền đạt rõ ràng, trung thực. Việc công bố công khai các số liệu định kỳ như tỷ lệ bao bì được thu gom, tái chế, mức giảm phát thải CO₂, lượng nước và điện năng tiết kiệm, hay số lượng sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế… sẽ giúp doanh nghiệp chứng minh cam kết của mình thay vì chỉ “nói xanh”.
Theo khảo sát năm 2024 của Deloitte, có tới 64% người tiêu dùng thế hệ Millennials và Gen Z sẵn sàng chuyển sang các thương hiệu có trách nhiệm với môi trường, và 46% trong số đó chủ động tẩy chay các thương hiệu bị nghi ngờ “xanh giả”. Do đó, việc thiết lập cơ chế báo cáo bền vững minh bạch theo các chuẩn mực quốc tế như GRI (Global Reporting Initiative) hoặc ESG (Environmental, Social and Governance) không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật mà còn là lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.
Minh Khuê