[In trang]
Chuyển đổi xanh trong sản xuất: Động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp Việt
Chủ nhật, 20/07/2025
Không chỉ là xu thế, đây còn là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu chi phí và khẳng định vị thế bền vững.
Chuyển đổi xanh đang trở thành hướng đi tất yếu với các doanh nghiệp sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Không chỉ là xu thế, đây còn là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu chi phí và khẳng định vị thế bền vững.
Thích ứng với xu thế toàn cầu
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi kèm hàng loạt quy định về phát thải carbon, quản trị môi trường và trách nhiệm sản phẩm đang tạo ra cú hích mạnh mẽ buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Điển hình, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ áp dụng toàn diện từ năm 2026, yêu cầu minh bạch hóa lượng phát thải carbon trong từng đơn vị sản phẩm. Đây là thách thức không nhỏ với các ngành sản xuất có mức phát thải cao như thép, giấy, xi măng...
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình, đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng và tài nguyê, qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động tái cấu trúc quy trình vận hành, đầu tư vào công nghệ sạch, tối ưu hóa nguyên vật liệu đầu vào. Những ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn như giấy, thép, xi măng… bắt đầu hành trình chuyển đổi với các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng nhiệt thải để tái tạo năng lượng, áp dụng hệ thống kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế. 
Dây chuyền sản xuất, đóng gói tối ưu của Công ty TNHH Một thành viên Vina Paper (Ảnh: Vinapaper)
Trong ngành giấy, nhiều doanh nghiệp đang chủ động chuyển mình mạnh mẽ. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Vina Paper (Vina Paper). Doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, áp dụng công nghệ xử lý nước tuần hoàn khép kín và tăng tỷ lệ sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, tăng cường các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất giấy.
Ông Nguyễn Thành Cương - Phụ trách kỹ thuật nhà máy giấy Vina Paper cho biết, từ năm 2018, Công ty đã thành lập Ban quản lý năng lượng để quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, xây dựng và ban hành chính sách sử dụng năng lượng. Bộ phận quản lý năng lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị trên toàn bộ dây chuyền sản xuất, tình hình lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng của cơ sở. 
Các doanh nghiệp trong ngành đang từng bước đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường, giảm tẩy trắng, giảm định lượng, sử dụng ít nước và năng lượng hơn cho mỗi đơn vị sản phẩm. Trước đây, để sản xuất một tấn giấy, cần tới 15–20 m³ nước; nay, nhiều nhà máy đã giảm xuống chỉ còn 3–4 m³ nhờ cải tiến công nghệ và tái sử dụng nước tuần hoàn. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng giấy tái chế làm nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành.
Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA)
Còn với ngành thép - một trong những ngành phát thải carbon lớn nhất cũng đã có bước tiến đáng ghi nhận. Công ty TNHH NatSteelVina, liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn NatSteel Holdings (Singapore) là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Ông Lê Khắc Giang, Phó Ban Quản lý năng lượng, Phó Phòng Sản xuất Công ty Thép Việt - Sing cho biết, với mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính, công ty đã chủ động đầu tư công nghệ và áp dụng nhiều giải pháp cải tiến trong sản xuất.
Dây chuyền sản xuất thép tự động của Công ty TNHH NatSteelVina
Bên cạnh việc ban hành quy định vận hành thiết bị tiết kiệm năng lượng và nâng cao nhận thức của người lao động về sử dụng năng lượng hiệu quả, công ty đã triển khai nhiều dự án cải tạo thiết bị theo hướng giảm phát thải. Cụ thể: tối ưu hóa vận hành lò nung phôi theo kích thước và công suất nhằm hạn chế tiêu hao nhiên liệu; lắp đặt biến tần điều khiển quạt gió giúp giảm 25% điện năng so với sử dụng van tiết lưu truyền thống; trang bị hệ thống bù công suất tự động, duy trì hệ số công suất ổn định, góp phần giảm tổn thất điện năng; lắp đặt hệ thống sục khí cho tháp lọc giúp nâng cao hiệu quả xử lý và tiết kiệm điện.
Đáng chú ý, trong hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất, công ty đã cải tạo mô hình bơm cấp truyền thống thành hai trạm độc lập điều khiển tự động bằng biến tần, đáp ứng đúng nhu cầu áp lực của từng khu vực. Giải pháp này không chỉ nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng mà còn giảm đáng kể lượng phát thải gián tiếp từ tiêu thụ điện năng.
Trợ lực cho chuyển đổi
Mặc dù lợi ích từ chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững đã dần hiện rõ đối với các doanh nghiệp, nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp không ít thách thức. Trong ngành giấy, việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) bao gồm thu gom, xử lý chất thải, tái chế bao bì và sản phẩm đang đặt ra nhiều áp lực. Nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc xây dựng kế hoạch tái chế, lập báo cáo định kỳ hay đầu tư hạ tầng, công nghệ nhằm đáp ứng tỷ lệ tái chế tối thiểu theo quy định. Bên cạnh đó, yếu tố then chốt trong thực hiện EPR là phân loại chất thải tại nguồn vẫn cần thời gian để hình thành thói quen từ người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.
Từ ngày 1/1/2024, theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm tái chế tối thiểu 20% đối với bao bì giấy carton và 15% đối với bao bì giấy hỗn hợp trong vòng ba năm đầu tiên. Đây là một phần trong lộ trình thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm áp lực lên môi trường.
Trên thực tế, hoạt động thu gom và tái chế đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Riêng trong năm 2024, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) dự kiến thu gom và tái chế khoảng 70.000 tấn bao bì – mức tăng trưởng đáng kể so với 3.500 tấn năm 2022 và 14.000 tấn năm 2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều loại bao bì phức tạp, điển hình như carton nhiều lớp, có tỷ lệ thất thoát lên đến 28%, gây cản trở cho công tác thu hồi và tái chế hiệu quả. Bên cạnh đó, hạ tầng phân loại chất thải tại nguồn còn yếu, khiến việc thực hiện các quy định tái chế bắt buộc chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả.
Đối với ngành thép, vấn đề cấp thiết là cắt giảm lượng phát thải carbon. Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy hiện nay vẫn sử dụng công nghệ cũ, gây phát thải cao, trong khi năng lực hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Hệ thống thu gom và tái chế thép phế liệu cũng chưa được phát triển đồng bộ, khiến việc tận dụng nguyên liệu tái chế gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp đang bị đội lên do phải thực hiện các yêu cầu liên quan đến chứng chỉ phát thải, trong khi nguồn lực tài chính còn eo hẹp.
Những thực tế này phản ánh rằng, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp trong ngành giấy, thép và nhiều lĩnh vực sản xuất khác rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện khung pháp lý minh bạch, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với các yêu cầu ngày càng khắt khe trong tiến trình chuyển đổi xanh.
Ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết Hiệp hội đang khuyến nghị các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh đến năm 2050, phù hợp với cam kết giảm phát thải mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP26. “Trong thời gian tới, để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, cộng đồng doanh nghiệp ngành thép mong muốn Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược này cần gắn kết chặt chẽ với định hướng tăng trưởng xanh, đồng thời có các cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi”, ông Thái nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh trong sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn là giải pháp để đảm bảo an toàn môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế dài hạn. Quá trình này chắc chắn không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng với quyết tâm từ cả phía doanh nghiệp và sự đồng hành từ Nhà nước, mục tiêu phát triển bền vững, tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là hoàn toàn khả thi.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã ban hành một số chính sách trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong công nghiệp, tiêu biểu như Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững và Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đây là những chính sách mang tính nền tảng, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Minh Khuê