[In trang]
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may APEC
Thứ hai, 16/06/2025
Ngày 5/6/2025 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với APEC tổ chức Hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp dệt may thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, viện nghiên cứu và doanh nghiệp từ các nền kinh tế APEC như ASEAN, Trung Quốc, Peru.
Ngày 5/6/2025 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với APEC tổ chức Hội thảo về hỗ trợ doanh nghiệp dệt may thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội, viện nghiên cứu và doanh nghiệp từ các nền kinh tế APEC như ASEAN, Trung Quốc, Peru.
Hội thảo là dịp để các bên liên quan cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ngành dệt may trong khu vực APEC chuyển đổi hiệu quả sang mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Hội thảo APEC về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may (Ảnh: Bnews)
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), MSME chiếm hơn 90% số doanh nghiệp toàn cầu và đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi sản xuất dệt may, từ dệt, nhuộm, may mặc đến tái chế. Dù đối mặt với nhiều hạn chế, các doanh nghiệp này có lợi thế linh hoạt và gần gũi người tiêu dùng, hoàn toàn có khả năng đi đầu trong chuyển đổi tuần hoàn nếu được hỗ trợ đúng hướng.
Hiện nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang triển khai các công cụ hỗ trợ như nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ thuật, khuyến khích tài chính, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ví dụ, EU đẩy mạnh dán nhãn và giáo dục người tiêu dùng nhằm tăng nhu cầu sản phẩm bền vững; UNIDO đào tạo công nghệ nhuộm sạch tại Đông Nam Á; SWITCH-Asia hỗ trợ MSME dệt may Việt Nam cải thiện hiệu suất năng lượng; các ngân hàng phát triển từ châu Âu và châu Á cung cấp vốn vay ưu đãi cho các dự án tuần hoàn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, Chiến lược phát triển ngành dệt may đến 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 6,8%/năm, đạt 52 tỷ USD vào năm 2025 và 70 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, ngành hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào cuối giai đoạn.
Việt Nam hiện có nhiều lợi thế như kinh tế vĩ mô ổn định, lực lượng lao động dồi dào và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng đối mặt với thách thức từ xu hướng toàn cầu như yêu cầu giảm phát thải, chuyển đổi từ “thời trang nhanh” sang “thời trang bền vững”.
Để đáp ứng các yêu cầu mới, VITAS khuyến nghị doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng mô hình tuần hoàn thông qua đổi mới công nghệ như công nghệ nhuộm không nước, thay thế nồi hơi đốt than bằng điện, sử dụng năng lượng tái tạo; tái chế chất thải rắn, vải vụn và quần áo cũ; đồng thời tăng cường đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng lao động.
Ngành dệt may là một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn cho kinh tế toàn cầu, song cũng gây áp lực đáng kể lên môi trường do quy trình sản xuất và xử lý chất thải chưa bền vững. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, tái chế sau tiêu dùng được đánh giá là cơ hội để hình thành các chuỗi giá trị công bằng, bền vững.
Tuệ Lâm