[In trang]
Thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam
Thứ tư, 21/05/2025
Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển vật liệu xây dựng xanh - Thực trạng và xu hướng tiếp cận”.

Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Phát triển vật liệu xây dựng xanh - Thực trạng và xu hướng tiếp cận”.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhận định rằng vật liệu xây dựng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế ở Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng chưa hiểu đầy đủ về lợi ích lâu dài của vật liệu xây dựng xanh như tiết kiệm năng lượng, cải thiện sức khỏe người sử dụng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, nguồn cung vật liệu xây dựng xanh trong nước hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các doanh nghiệp sản xuất còn gặp khó khăn về vốn đầu tư, công nghệ, cũng như thiếu thông tin về thị trường. Hạ tầng phục vụ tái chế, xử lý chất thải xây dựng còn manh mún, chưa được quy hoạch bài bản. Việc thiếu một hệ thống tiêu chuẩn, nhãn sinh thái rõ ràng cũng khiến cho thị trường vật liệu xanh bị nhiễu loạn bởi các sản phẩm kém chất lượng, gây mất lòng tin từ phía người tiêu dùng và nhà thầu.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng và môi trường (Ảnh: nguoiduatin)

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung - Tây Nguyên, đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu xây dựng tăng cao, đòi hỏi VLXD xanh phải được thúc đẩy mạnh hơn. Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, việc áp dụng vẫn gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn cụ thể trong chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng và chưa có quy định bắt buộc dán nhãn năng lượng cho thiết bị xây dựng.

Dù vậy, cơ hội phát triển vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam vẫn rất lớn, nhất là khi các chính sách quốc gia đang định hướng rõ ràng cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Thực tế, tại khu vực miền Trung, đặc biệt là TP. Đà Nẵng, việc ứng dụng vật liệu xanh đang có những tín hiệu tích cực. Gần 50 nhà máy gạch không nung đã được xây dựng tại khu vực này, với tổng công suất hơn 800 triệu viên mỗi năm. Riêng tại Đà Nẵng, hơn 20 nhà máy đang hoạt động ổn định, cung ứng cho thị trường địa phương và các tỉnh lân cận. Người tiêu dùng cũng đã dần quen với việc sử dụng vật liệu không nung, thân thiện môi trường, trong xây dựng nhà ở và công trình dân dụng.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống vào năm 2050. Vật liệu xanh được xem là yếu tố cốt lõi, giúp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng công trình. Đà Nẵng đã phê duyệt chiến lược phát triển VLXD đến 2030, định hướng 2050, ưu tiên công nghệ tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xanh. Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và xây dựng, cũng như nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, được xem là yếu tố then chốt. Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng và đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng nhằm lan tỏa nhận thức về vai trò thiết yếu của vật liệu xanh trong quá trình phát triển đô thị bền vững.

Việt Nam hiện đã tham gia hơn 100 cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, sử dụng đất, điện than và chuyển đổi năng lượng. Trong bối cảnh đó, việc đầu tư vào vật liệu xanh từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến ứng dụng không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là bước đi thực chất nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Tuệ Lâm