[In trang]
Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên năng lượng tái tạo và bền vững
Thứ tư, 23/04/2025
Chính phủ Việt Nam đã công bố Quy hoạch điều chỉnh Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững và giảm phát thải carbon.
Chính phủ Việt Nam đã công bố Quy hoạch điều chỉnh Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững và giảm phát thải carbon.

Bên cạnh các mục tiêu cụ thể về phát triển quy mô, công suất phát điện, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hoá sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới; Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Cụ thể, Về chuyển đổi năng lượng công bằng, sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36% vào năm 2030. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 74 - 75%. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Về phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, dự kiến đến 2030, hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiêu tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

Phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.

Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Về phương án phát triển nguồn điện, Quyết định nêu rõ: Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối v.v...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

Cụ thể, đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mặt nước phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời (trong đó có điện mặt trời trên mái nhà dân, trung tâm thương mại, mái các công trình xây dựng, mái nhà xưởng, khu công nghiệp, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh) tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Phát triển điện mặt trời tập trung phải kết hợp với lắp đặt pin lưu trữ với tỷ lệ tối thiểu 10% công suất và tích trong 2 giờ.

Ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng, xử lý môi trường ở Việt Nam. Định hướng đến năm 2050, điện sinh khối khoảng 4829 - 6960 MW; điện sản xuất từ rác, chất thải rắn khoảng 1748 - 2137 MW; điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 464 MW

Quy hoạch điện VIII ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 136,3 tỷ USD giai đoạn 2026 - 2030 và cần thêm 130 tỷ USD những năm 2031 - 2035. Từ 2036 đến 2050, Việt Nam tiếp tục cần đầu tư thêm 569,1 tỷ USD cho Quy hoạch.
Xem chi tiết: tại đây
Khánh Linh