Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu cụ thể nhằm lan tỏa lối sống và tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội. Theo đó, 100% các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lối sống xanh và tiêu dùng có trách nhiệm. Đồng thời, 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% làng nghề sẽ được phổ biến kiến thức và thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thành phố tiếp tục phấn đấu để đạt tỷ lệ 70 - 80% chợ truyền thống và 100% siêu thị, trung tâm thương mại không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy, thay vào đó là các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Các chuỗi cung ứng bền vững sẽ được xây dựng và thúc đẩy phát triển, ưu tiên phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, có dán nhãn sinh thái tại các hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, Hà Nội sẽ khuyến khích việc lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững vào chương trình đào tạo ở tất cả các cấp học, nhằm hình thành tư duy phát triển bền vững cho thế hệ trẻ ngay từ trong nhà trường.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: VGP/Bích Phương
Giải pháp toàn diện
Để thực hiện hiệu quả Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hình thành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thành phố ưu tiên đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức linh hoạt và hiện đại. Việc xây dựng tài liệu phổ biến chính sách, mô hình, thực hành tốt được gắn với ứng dụng chuyển đổi số, từng bước chia sẻ dữ liệu phục vụ tuyên truyền. Nội dung truyền thông tập trung vào lối sống bền vững, thân thiện với môi trường, đặc biệt chú trọng đến các vấn đề như tác hại của túi nilon khó phân hủy, nhựa dùng một lần, và thúc đẩy thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường tại chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, thành phố tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các cấp và các cơ sở sản xuất, phân phối, cùng với việc phổ biến hướng dẫn về giảm thiểu, tái sử dụng chất thải, sử dụng bao bì xanh, và phát triển mô hình phân phối bền vững thông qua các nền tảng số và mạng xã hội.
Song song đó, Hà Nội thúc đẩy sản xuất sạch hơn và sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường bằng cách xây dựng mạng lưới liên kết bền vững trong chuỗi vòng đời sản phẩm, từ nhà cung cấp nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Thành phố tổ chức các hoạt động kết nối, điển hình là Hội chợ triển lãm quốc tế “Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực hàng không – Aero Expo Hanoi & Vietnam Aviation Forum 2025”. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng công cụ quản lý trong thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững. Nhiều mô hình điển hình hiệu quả về sử dụng tài nguyên tiết kiệm cũng sẽ được nhân rộng.
Về phía hệ thống phân phối và xuất nhập khẩu, thành phố chú trọng phát triển mạng lưới kết nối giữa nhà phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường. Người tiêu dùng cũng được định hướng rõ ràng thông qua việc phổ biến kiến thức về sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái và các tiêu chí lựa chọn sản phẩm xanh.
Các nội dung của chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ được lồng ghép với các đề án, chương trình trọng điểm hiện có như quản lý và phát triển logistic, phát triển thương mại điện tử, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến công, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ... nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.
Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025: xem tại đây
Linh Chi