Nghệ An tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tái chế, sử dụng công nghệ sạch
Thứ hai, 26/05/2025
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công văn hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành công văn hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030.
Đề án nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế và khuyến khích sử dụng công nghệ sạch nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản từ các trang trại theo mô hình KTTH. Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp nông dân nâng cao thu nhập, đồng thời thúc đẩy sản xuất bền vững và giảm thiểu lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Mô hình KTTH đang được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp và quản lý chất thải. Theo Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 về phê duyệt "Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam", KTTH không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Chương, Nghệ An (Ảnh: thanhchuong)
Tại Việt Nam, nhiều mô hình KTTH đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp với các mô hình sản xuất hữu cơ, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong ngành công nghiệp, các doanh nghiệp dệt may, nhựa, xi măng cũng đang từng bước áp dụng mô hình KTTH bằng cách sử dụng nguyên liệu tái chế và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm phát thải.
Tuy nhiên, việc triệt để khai thác giá trị của KTTH chưa được chú trọng sâu rộng. Trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, các mô hình KTTH trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. KTTH đang mở ra cơ hội tăng trưởng mới, tạo giá trị kinh tế cao hơn và hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Nếu như trước đây, các loại hình sản xuất, kể cả tài nguyên thường theo mô hình: "khai thác - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ", thì nay, KTTH sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy, bên cạnh sản xuất, chế biến, tiêu dùng như trước đây, khi áp dụng triệt để KTTH sẽ thêm các khâu chế biến theo hình thức tái chế. Điều đó vừa tăng giá trị của sản phẩm, tài nguyên, vừa bảo vệ môi trường và có khả năng tăng thêm việc làm cho lao động.
KTTH là giải pháp hiệu quả cho nền kinh tế. Sự phát triển KTTH tại Việt Nam không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân. Thúc đẩy giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về KTTH cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh trong những năm tới. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính cho các dự án KTTH, giúp Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào nền kinh tế xanh toàn cầu.
Tuệ Lâm