[In trang]
Nâng cao hiệu quả xuất khẩu xi-măng
Thứ hai, 16/04/2018
Xuất khẩu xi-măng hiện đang có nhiều tín hiệu khả quan cả về số lượng và lợi ích. Tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu giữa clanh-ke và xi-măng còn khá chênh lệch (70⁄30), dẫn tới hiệu quả chưa được như kỳ vọng, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) xi-măng cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu xi-măng hiện đang có nhiều tín hiệu khả quan cả về số lượng và lợi ích. Tuy nhiên tỷ trọng xuất khẩu giữa clanh-ke và xi-măng còn khá chênh lệch (70⁄30), dẫn tới hiệu quả chưa được như kỳ vọng, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) xi-măng cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng 30% so cùng kỳ
 
Theo số liệu thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tính đến hết quý I, tiêu thụ xi-măng đạt gần 21 triệu tấn, tăng 15%, trong đó xuất khẩu tăng 30% so cùng kỳ. Thời điểm này năm ngoái được đánh giá khó khăn nhất đối với các DN xi-măng khi tiêu thụ chậm, tồn kho cao, xuất khẩu gặp vướng mắc do chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt về giá từ xi-măng Trung Quốc cũng như cách tính thuế xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên với những tháo gỡ kịp thời từ nhiều phía và nội lực từ chính các DN, những tháng đầu năm mức tiêu thụ, nhất là xuất khẩu xi-măng được cải thiện mạnh mẽ.
 
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tiêu thụ xi-măng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những đợt tăng giá các nguyên liệu chính như: than tăng 7%, điện tăng 6,08% từ cuối năm 2017 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong năm 2018. Bên cạnh đó, dự báo mức tăng trưởng xi-măng năm nay cũng chỉ tăng khoảng 4 đến 6%, trong khi đó nguồn cung vẫn dư thừa khoảng 25 triệu tấn, dẫn tới áp lực tiêu thụ nội địa và xuất khẩu còn rất căng thẳng. Hơn nữa, xu hướng giảm tiêu thụ xi-măng ngày càng rõ nét, tạo thêm áp lực cạnh tranh trên thị trường.
 
Năm 2017, ngành xây dựng tăng trưởng 8,7%, trong khi xi-măng chỉ tăng khoảng 3%. Thông thường mức tăng trưởng xi-măng hằng năm tương đương mức tăng trưởng ngành xây dựng. Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nhận định, trong bối cảnh hiện nay, xuất khẩu xi-măng vẫn là một hướng đi được các DN tập trung. Các thị trường chủ lực của ngành xi-măng như: Băng-la-đét, Mi-an-ma, Đài Loan (Trung Quốc)... vẫn tiếp tục được các DN khai thác hiệu quả. Đồng thời giá bán cũng tăng khoảng 5 đến 7 USD/tấn, góp phần giảm tải áp lực tiêu thụ nội địa, đặc biệt là thời điểm tiêu thụ chậm (sau Tết, tháng mưa bão nhiều).
 
Theo Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) Lương Quang Khải, giá xuất khẩu xi-măng cao gần gấp đôi so với clanh-ke về giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả hơn. Nhưng thực tế tỷ trọng xuất khẩu clanh-ke với xi-măng vẫn còn khá chênh lệch (70/30). Hơn nữa, giá xuất khẩu của các DN Việt Nam vẫn thấp hơn giá bán xi-măng tại các nước sở tại. Do vậy, để giải bài toán về lợi ích, nhưng không làm mất thị trường xuất khẩu đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía các đơn vị kinh doanh xi-măng vì sản xuất xi-măng là công việc đặc thù, nếu mất cân đối trong sản xuất, tiêu thụ, phải dừng lò sẽ gây thiệt hại lớn.
 
Đẩy mạnh các giải pháp tổng hợp
 
Tỷ trọng xuất khẩu 70/30 giữa clanh-ke và xi-măng được nhiều chuyên gia đánh giá là không hợp lý, thậm chí bị coi là xuất khẩu tài nguyên thô, không được nhà nước khuyến khích. Để thay đổi tỷ trọng này không phải đơn giản và cũng không thể giải quyết ngay. Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, cần hình thành các DN, dây chuyền công suất lớn, hiện đại, tập trung nhằm tăng cường tiềm lực, sức cạnh tranh không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà mở rộng trong khu vực. Nếu chỉ hài lòng với những dây chuyền nhỏ, ngành xi-măng sẽ không thể cạnh tranh được. Đồng thời, các DN đầu tàu xi-măng cần ngồi lại, thống nhất quan điểm trong xuất khẩu xi-măng, nhằm tránh hiện tượng mỗi đơn vị một giá, dẫn đến bị đối tác ép giá, giảm hiệu quả.
 
Các DN xi-măng đã và đang tích cực tìm kiếm những đơn hàng dài hạn để xuất khẩu. Mặc dù xuất khẩu xi-măng có lợi hơn clanh-ke, nhưng kèm theo đó là sự rủi ro cao hơn vì sản phẩm xi-măng nhanh hỏng hơn. Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh cho rằng, song song với việc tìm kiếm, mở rộng đối tác xuất khẩu, trước mắt Tổng công ty sẽ tập trung phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất ngoài xã hội.
 
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các nút thắt trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát huy tối đa công suất của các hệ thống, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, cân đối năng lực sản xuất và thị trường, giữa thị trường trong nước và xuất khẩu, hạn chế tác động bởi các yếu tố khách quan như ngày lễ, Tết, thời tiết mưa bão, mùa vụ. Đồng thời thực hiện gia công thêm tại một số nhà máy ngoài VICEM, bảo đảm tiêu chuẩn của VICEM nhằm tạo thêm giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng.
 
Hiện nay năng suất lao động giữa các đơn vị xi-măng còn khá chênh lệch. Chẳng hạn như tại VICEM, bình quân lao động đóng góp 7,5 tấn xi-măng/người/ngày, trong khi đó khu vực liên doanh, con số này là 11 tấn xi-măng/người/ngày. Điều này đặt ra vấn đề về quản trị, sắp xếp lao động, tinh giản bộ máy một cách hợp lý, hướng tới hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường sức cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm xi-măng.
 
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, ngành xi-măng cần xây dựng kịch bản tăng trưởng hợp lý. Nâng cao chất lượng, năng suất lao động, tăng cường tự động hóa, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng sản lượng đi đôi với hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và quốc gia. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong giao thông vận tải nhằm giảm chi phí lô-gic-tíc (chiếm khoảng 20% chi phí giá thành). Phấn đấu xuất khẩu 70% sản phẩm là xi-măng, giảm bớt xuất khẩu clanh-ke.
 
Nguồn: nhandan.com.vn