[In trang]
Giải pháp công nghệ toàn diện: Sản xuất Silica và Nano silica từ trấu
Chủ nhật, 21/05/2017
Vừa qua, Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” và Hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu" đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội.

Vừa qua, Chương trình hợp tác quốc tế “Giải pháp công nghệ toàn diện” và Hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano Silica từ trấu" đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội.

Sự kiện do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BSB tổ chức. Chủ trì hội thảo là Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công nghệ vật liệu và Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BSB. Hội thảo có sự tham dự của Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, trong đó có Giáo sư, Viện sĩ Bugaev Aleksandr Stepanovich – Viện sĩ,  thành viên Chủ tịch đoàn Viện Hàn lâm khoa học Nga, Trưởng khoa Điện tử Chân không, Trường Đại học Vật lý Kỹ thuật Mátxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga. 
 
Chương trình hợp tác quốc tế  “Giải pháp công nghệ toàn diện” và Hội thảo "Nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng Silica và Nano silica từ trấu" là một trong những chuỗi hoạt động hướng tới cộng đồng của BSB, nhằm tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp đặc thù kinh tế Việt Nam. 
 
Việt Nam luôn năm trong top những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cũng tạo ra lượng phụ phẩm từ lúa gạo hàng đầu thế giới - hàng triệu tấn vỏ trấu mỗi năm. Trong một thời gian dài, vỏ trấu bị coi là rác thải nông nghiệp, hoàn toàn không sử dụng vào mục đích nào khác ngoài đốt để đun nấu, phần còn thừa bị đem tiêu hủy và gây ra ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí. 
 
Hội thảo đưa ra một giải pháp giúp tối ưu nguồn tài nguyên quý giá là Silica và Nano Silica từ trấu, tạo đòn bẩy cho việc triển khai các ứng dụng đặc biệt phong phú của công nghệ nano trong các ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, vật liệu, nông nghiệp, xây dựng, ngành lốp cao su, nhựa và kể cả ngành điện tử và năng lượng trên quy mô công nghiệp tại Việt Nam.
 
Hiện nay, công nghệ mới đang được nghiên cứu giúp tạo ra vật liệu Nano Silica từ vỏ trấu với hiệu suất, độ sạch cao và giá thành hạ sẽ là một phương án tối ưu không chỉ góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên mà còn đem lại lợi ích kinh tế cao. Đề tài sản xuất Nano Silica từ vỏ trấu có tiềm năng ứng dụng rất cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc những ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam; do đó, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam kêu gọi các nhà khoa học trong và ngoài viện tham gia tích cực phát triển đề tài này.
 
Giáo sư - Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tin tưởng rằng với vai trò nòng cốt, vai trò tổ chức của công ty BSB, với sự hỗ trợ trực tiếp của các nhà khoa học Việt Nam, CHLB Nga, sự tham gia của các nhà khoa học của Việt Nam, mô hình Doanh nghiệp – Nhà khoa học – Liên kết quốc tế này sẽ thành công và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
 
Văn phòng CPSI