[In trang]
Tập đoàn Than - Khoáng sản VN: Hướng tới mục tiêu sản xuất xanh
Thứ năm, 30/03/2017
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam luôn giữ vững phương châm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đề cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời hướng tới nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam luôn giữ vững phương châm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, đề cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời hướng tới nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tập đoàn đã ban hành các cơ chế nội bộ, tổ chức hệ thống chỉ đạo, quản lý công tác bảo vệ môi trường chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; thành lập các đơn vị tư vấn, thi công chuyên ngành môi trường làm lực lượng nòng cốt thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn; thường xuyên mở các lớp tập huấn về môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác môi trường; hợp tác với nước ngoài (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản) nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường ngay từ ban đầu.
 
Để có nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình môi trường, Tập đoàn đã lập Quỹ Môi trường tập trung bằng 1,0 - 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,5% chi phí sản xuất cho bảo vệ môi trường thường xuyên. Tổng chi phí trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn hiện nay trên 1.000 tỷ đồng/năm, chưa kể chi phí đầu tư đổi mới công nghệ kết hợp bảo vệ môi trường.
 
Để giảm thiểu bụi, ồn ảnh hưởng đến môi trường, dân cư, Tập đoàn đã đầu tư xây dựng các tuyến đường vận chuyển chuyên dụng có tổng chiều dài trên 130 km. Vì vậy, từ năm 2008, toàn Tập đoàn đã chấm dứt vận chuyển than trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; từ năm 2013 chỉ vận chuyển than ra cảng bằng ô tô vào ban ngày.
 
Đầu tư thay thế, đổi mới công nghệ
 
Tập đoàn đã đầu tư hiện đại hóa các cảng xuất than (Cửa Ông, KM6, Làng Khánh, Bến Cân...) kết hợp với đầu tư các tuyến băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng (mặt bằng +56 Mạo Khê - cảng Bến Cân, mặt bằng +56 Mạo Khê - nhà máy điện Mạo Khê, kho G9 - nhà máy điện Mông Dương, Khe Chàm - kho G9, Lép Mỹ - cảng KM6...), việc vận chuyển than ra cảng hiện nay chủ yếu thực hiện bằng băng tải và đường sắt, nhờ đó giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình vận chuyển than đến các đô thị và khu dân cư.
 
Những năm vừa qua, Tập đoàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ khai thác cơ giới hoá, thủy lực hóa trong khai thác các mỏ than hầm lò, nhờ đó giảm suất tiêu hao gỗ chống lò từ 45 - 50 m3/1000 tấn than xuống 14,1 m3/1000 tấn; giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 45 - 50% xuống 24,2%; đầu tư đổi mới thiết bị khai thác lộ thiên hiện đại, có công suất lớn (máy xúc dung tích 10 m3, ô tô trọng tải 100 tấn, ô tô chạy điện, băng tải đá...) để tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế khí thải, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 15 - 18% xuống 5,3%. 
 
Thiết bị lọc ép bùn công suất lớn mới và băng tải thay thế ô tô vận chuyển than ra cảng của nhà máy tuyển đã giúp tăng tỷ lệ thu hồi khoáng sản, sử dụng nước tuần hoàn, hạn chế phát sinh bụi, ồn, khí thải. 
 
Bên cạnh đó, Nhờ có hệ thống khởi động mềm cho các thiết bị và các trạm tuyển nâng cấp chất lượng và việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng than chất lượng thấp, Tập đoàn đã tận thu được các loại than và khoáng sản chất lượng thấp, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí điện năng.
 
Thông qua những nỗ lực trong tổ chức quản lý sản xuất và đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, có thể thấy được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu trở thành ngành sản xuất xanh, phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng.
 
Văn phòng CPSI