[In trang]
Đề án về sản xuất sạch hơn trong chế biến gỗ tại Bình Phước
Thứ tư, 07/12/2016
Ngày 27/1/ 2016, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn năm 2030”. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển.

Ngày 27/1/ 2016, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn năm 2030”. Đây là cơ hội để ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển.

Mục tiêu của Đề án là (1) Đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường và tình hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Phước; nghiên cứu, đánh giá các dòng thải, xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường và xác định cơ hội áp dụng sản xuất sạch hơn, (2) Xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn 2030.

Liên quan đến hoạt động sản xuất sạch hơn, đề án đưa ra một số giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ:

- Nhóm giải pháp tại các doanh nghiệp sản xuất phôi gỗ

- Nhóm giải pháp tại các doanh nghiệp sản xuất ván ép và viên nén

Kế hoạch triển khai chương trình SXSH tại các doanh nghiệp trong giai đoạn đến năm 2020 như sau: Tổ chức tập huấn về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ, giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của chương trình SXSH đối với doanh nghiệp của mình. Sở công thương chủ trì triển khai một số dự án trình diễn làm mẫu cho các doanh nghiệp khác thực hiện.

Kế hoạch cụ thể của đề án, từ năm 2015-2017 sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn nhận thức về sản xuất sạch hơn và chương trình tham quan cho 100% DN lớn và vừa; đồng thời thực hiện và hỗ trợ sản xuất sạch hơn cho một vài DN ngành gỗ dưới dạng dự án trình diễn một số giải pháp đơn giản như quản lý nội vi, kiểm soát quá trình, cải tiến thiết bị... Giai đoạn 2018-2020, hướng đến 100% DN nhỏ và siêu nhỏ được đào tạo tập huấn sản xuất sạch hơn, 90% DN lớn và vừa có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn, 90% DN lớn và vừa áp dụng sản xuất sạch hơn và có kết quả về tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên - nhiên liệu. Đến năm 2030, 90% DN cải tiến thiết bị và mang lại lợi ích, 100% DN nhỏ và siêu nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn và mang lại kết quả tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên - nhiên liệu.

Sở Công Thương Bình Phước sẽ là đơn vị chủ trì, hướng dẫn triển khai áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp chế biến gỗ. Chủ trì thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn theo các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương, chịu trách nhiệm lập các kế hoạch thực thi chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp theo đúng tiến độ và nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt.. Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thức hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chế biến gỗ.

                                                                                                                                                        Văn phòng CPSI (viết)