[In trang]
Xây dựng lộ trình cho công nghệ sạch
Thứ sáu, 16/11/2012
Với mục tiêu phát triển và sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược sử dụng công nghệ sạch cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chiến lược này.

Với mục tiêu phát triển và sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược sử dụng công nghệ sạch cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chiến lược này.

Theo thống kê của Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công Thương: Hiện nay, trình độ công nghệ tại các DN Việt Nam khá đa dạng với những xuất xứ từ Trung Quốc, Đức, Nhật, Nga, Mỹ, nội địa và các nước khác. Tuy nhiên, một lượng không nhỏ các cơ sở sản xuất đã và đang sử dụng các công nghệ phổ biến của những thập niên 80, 90, thậm chí là 70 của thế kỷ trước. Hàm lượng công nghệ mới hoặc công nghệ sạch thấp như vậy nên tiềm năng ứng dụng và đầu tư cho công nghệ sạch rất lớn. Đặc biệt, nhiều DN đã khẳng định ưu tiên đổi mới công nghệ sang công nghệ sạch, tiêu thụ ít năng lượng, ít gây ô nhiễm trong chiến lược đầu tư lâu dài của DN mình.

Tại các nước có nền kinh tế phát triển, công nghệ sạch đã được nghiên cứu, phát minh và đầu tư phát triển rất mạnh. Để ứng dụng những kinh nghiệm đó cho sự phát triển công nghệ sạch ở những nước đang phát triển như nước ta, theo ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ: Định hướng sử dụng công nghệ sạch hiệu quả nhất cho các nước đang phát triển như nước ta chính là sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp và các sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, trong mỗi ngành công nghiệp và các nhóm sản phẩm, cần lựa chọn những công nghệ sạch đặc thù nhất, giúp giải quyết các vấn đề môi trường tiêu biểu của mỗi ngành và mỗi nhóm sản phẩm, phù hợp với thực trạng và xu hướng đổi mới công nghệ của các DN. Theo đó, dự thảo chiến lược công nghệ sạch đang được xây dựng sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp như: công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, giấy và bột giấy); công nghiệp nặng (luyện kim, hóa chất, khai thác và chế biến khoáng sản, cơ khí, thiết bị điện, điện tử); Năng lượng (nhiệt điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo).

Theo phần đông những đại biểu có mặt tại hội thảo, chiến lược công nghệ xanh được xây dựng và ra đời trong thời điểm này là rất phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để chiến lược này thực sự phát huy hiệu quả cao nhất, nhiều vấn đề cần được sửa đổi.

Cụ thể, ông Huỳnh Đắc Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương: Riêng về những lĩnh vực được chú trọng đầu tư công nghệ sạch, ngoài những lĩnh vực thuộc công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng đã được đề ra, chiến lược cần bổ sung thêm lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản, bởi đây là một trong những lĩnh vực còn sử dụng rất nhiều công nghệ lạc hậu và có tiềm năng lớn trong việc áp dụng công nghệ sạch.

Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất là việc làm cấp thiết, tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của công nghệ ấy như thế nào lại chưa được quan tâm trong dự thảo Chiến lược. Theo đại diện từ Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam: Khi đã ứng dụng công nghệ sạch cho sản xuất, sản phẩm đầu ra cho công nghệ đó cũng phải là sản phẩm sạch, từ đó mới có thể duy trì và phát huy mạnh nhất những điểm tích cực của chiến lược này.

Phát triển công nghệ sạch là một chiến lược đúng đắn, tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển công nghệ sạch chính là ý thức của DN. “Phần đông DN hiện nay sử dụng công nghệ chưa sạch bởi suy nghĩ rằng nếu thải thẳng chất thải ra môi trường thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì không phải tốn chi phí cho khâu xử lý chất thải. Tuy nhiên, nếu xét cho đến cùng, chi phí xã hội phải trả cho việc làm sạch môi trường và chi phí chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường không đảm bảo đó còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí đầu tư công nghệ sạch. Do đó, dự thảo nên tập trung những giải pháp nhằm xây dựng ý thức cho DN cũng như rõ hơn về những ưu đãi để khuyến khích DN áp dụng công nghệ sạch” - ông Nguyễn Phú Cường – Vụ Khoa học Công nghệ chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết thêm: Điều quan trọng nhất là chiến lược cần phải đưa ra lộ trình cho việc sử dụng công nghệ sạch, bước đầu là khuyến khích, nhưng phải đặt ra mục tiêu khuyến khích sử dụng đến bao giờ? Đến bao giờ thì cấm sử dụng? Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, không thể cầu toàn bất cứ điều gì nhưng về lâu dài, phải có lộ trình cụ thể, phải đặt ra mục tiêu cấm sử dụng những công nghệ lạc hậu để đảm bảo phát triển công nghiệp một cách bền vững.