[In trang]
Khuyến công Đà Nẵng: Tạo sức hút cho các cơ sở công nghiệp nông thôn
Thứ năm, 18/08/2016
Lựa chọn hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, chương trình khuyến công của TP. Đà Nẵng đã phát huy được vai trò “vốn mồi”, tạo sức hút với các cơ sở công nghiệp nông thôn...

Lựa chọn hỗ trợ trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Những năm qua, chương trình khuyến công của TP. Đà Nẵng đã phát huy được vai trò “vốn mồi”, tạo sức hút với các cơ sở công nghiệp nông thôn...

Là một trong những đối tượng thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công, những năm qua hợp tác xã Mây tre đan Bảo Trung, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã không ngừng đầu tư máy móc, cải tiến chất lượng sản phẩm, nhờ đó sản phẩm của hợp tác xã đã dần được thị trường trong nước và quốc tế tiêu thụ. Không chỉ giúp doanh nghiệp ứng dụng máy móc tiên tiến; vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng (Trung tâm) còn giúp các doanh nghiệp đào tạo nghề, thực hiện các mô hình trình diễn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Nam Hồng, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết: Khuyến công đào tạo nhân lực chế biến gỗ, giúp doanh nghiệp có nguồn lao động có tay nghề để có thể tiếp cận công việc nhanh chóng, đáp ứng nhanh yêu cầu của đơn vị. Trung tâm còn hỗ trợ xây dựng trang web, thông tin về sản phẩm, để làm tốt khâu tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Tính từ năm 2005 đến nay, TP. Đà Nẵng đã triển khai được 41 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng. Ngoài làm tốt công tác đào tạo nghề, Trung tâm còn phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng được 24 mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,2 tỷ đồng, thu hút được hơn 44 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Do nguồn kinh phí thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở dẫn đến chưa thu hút được nhiều cơ sở tham gia thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ của khuyến công. Đối với một số địa bàn được ưu tiên thì ít có cơ sở tham gia do nguồn vốn khó khăn, đầu tư khiêm tốn, nhỏ lẻ. Từ những hạn chế đó, Đà Nẵng đang tính toán đưa hoạt động khuyến công tập trung hướng vào hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, khôi phục và phát triển nghề và làng nghề; đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới; đồng thời tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển CNNT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Nam Hồng cho biết thêm: Hoạt động khuyến công nên đi sát vào hoạt động của từng doanh nghiệp. Việc tìm kiếm đầu  ra cho sản phẩm nội địa là rất cần thiết, ngoài sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ hàng nội  địa bằng các phương tiện hiện có, cần cung cấp thêm thông tin cho doanh nghiệp.

Theo Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Với 10 năm, hơn 87 chương trình đề án khuyến công, chủ yếu là đào tạo, tập huấn, xây dựng những mô hình sản xuất kinh doanh còn có giới hạn; nên nghiên cứu, hỗ trợ có tập trung các mô hình sản xuất, về chuyển đổi ngành nghề của doanh nghiệp, chuyển đổi sang các nghề cung ứng cho doanh nghiệp.

Chương trình khuyến công ở TP. Đà Nẵng đã tạo bước chuyển quan trọng trong việc phát huy ngành nghề truyền thống nói riêng và CNNT nói chung ở Đà Nẵng trong những năm qua. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí khuyến công quốc gia còn hạn chế nên số doanh nghiệp được hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Do vậy, việc TP. Đà Nẵng chủ động kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia công tác khuyến công; cũng như lựa chọn những ngành nghề đang có lợi thế, khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống trong quá trình thực hiện công tác khuyến công là hướng đi đúng, giúp CNNT phát triển tốt trong thời gian qua.