[In trang]
Phát triển làng nghề Hà Nội: 5 năm và những con số
Thứ sáu, 28/08/2015
Số lượng làng nghề tăng, giá trị sản xuất tăng, vấn đề môi trường đang dần được khắc phục… Đó là những thành quả mà các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua.

Số lượng làng nghề tăng, giá trị sản xuất tăng, vấn đề môi trường đang dần được khắc phục… Đó là những thành quả mà các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt được trong 5 năm qua.

Theo thống kê từ Sở Công Thương thành phố Hà Nội, giai đoạn 2010-2015, khu vực làng nghề của thành phố đã có sự thay đổi rõ rệt. Số lượng làng nghề từ 1.280 làng tăng lên 1.350 làng. Đặc biệt, 250 làng thuần nông được nhân cấy nghề hiện vẫn được duy trì và phát triển.

Hà Nội hiện có 285 làng nghề đã được thành phố công nhận, phần lớn các làng nghề này đều sản xuất, kinh doanh nhóm ngành nghề đang có xu hướng phát triển mạnh như: Sơn mài, gốm sứ, điêu khắc, thuê ren…

Giá trị sản xuất của các làng nghề trên địa bàn thành phố cũng ngày một tăng, năm 2015 dự kiến đạt gần 14.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có giá trị sản xuất cao “ngất ngưởng” như: Làng nghề dệt kim La Phù (Hoài Đức) đạt 810 tỷ đồng/năm; dệt, nhuộm Ỷ La (Hà Đông) đạt 410 tỷ đồng/năm; gốm sứ Bát Tràng 360 tỷ đồng/năm; chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai (Hoài Đức) 179 tỷ đồng/năm…

Thu nhập bình quân của người lao động tại các làng nghề cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động thuần nông, đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Cá biệt, tại một số làng nghề thuộc nhóm nghề gốm sứ, dệt lụa, thu nhập đạt tới 70 triệu đồng/người/tháng.

Các làng nghề cũng tích cực đầu tư cho khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện làng nghề Bát Tràng đã thay thế lò nung than bằng lò nung gas, bình nghiền trong sản xuất gốm sứ. Các làng nghề Kiêu Kị, Phú Yên đã đưa máy móc chuyên dùng trong may da, giả da vào sản xuất. Tại làng nghề may Cổ Nhuế, máy móc hiện đại chiếm 80%, hay các làng nghề dệt như: Ỷ La, La Nội, La Phù đã đổi mới công nghệ dệt len, trong đó có công nghệ dệt len lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí…

Ngoài ra, trong 5 năm, Hà Nội đã thành lập mới được 5 cụm công nghiệp, mở rộng 1 cụm, nâng tổng số cụm công nghiệp của toàn thành phố lên 107 cụm. Số cụm công nghiệp này đã phần nào giải tỏa được áp lực về mặt bằng sản xuất cho các làng nghề. Vấn đề môi trường cũng đã được bản thân các cơ sở sản xuất tại làng nghề và chính quyền các cấp quan tâm, khắc phục. Nhờ đó, môi trường tại một số làng nghề ô nhiễm trầm trọng đã được cải thiện.

Theo đánh giá từ Sở Công Thương thành phố, sự phát triển và biến đổi này đã góp phần đem lại bộ mặt mới cho khu vực nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh, có giá trị cao như: Gốm sứ, đồ gỗ, may tre đan, khảm trai, dệt lụa…. Gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội.

Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất của khu vực làng nghề đạt 8,5% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hà Nội; bảo tồn và khôi phục 21 nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một; phát triển 10 làng nghề gắn với du lịch; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề…

Để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, thành phố sẽ khai thác triệt để những chính sách đã ban hành; tập trung giải quyết nguồn vốn cho phát triển làng nghề; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ thành lập các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất. Theo đó, các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thị trường, thiết kế mẫu mã, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ gia đình thực hiện công đoạn sản xuất vệ tinh cho các doanh nghiệp…