[In trang]
Kinh tế xanh và các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Thứ tư, 21/08/2024
Đề tài Kinh tế xanh và các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam do ThS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt (Bộ môn Kinh tế học - Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.
TÓM TẮT:
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu liên tiếp gia tăng và ngày càng trở nên trầm trọng trên toàn cầu, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc thúc đẩy thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển xanh, xây dựng nền kinh tế xanh - một hệ thống kinh tế mà trong đó ưu tiên sự bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy phúc lợi kinh tế và xã hội. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm niệm kinh tế xanh và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: phát triển xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế xanh được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1989 bởi các nhà kinh tế môi trường Anh, sau đó đến tháng 6/2012 được chính thức sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững tại Rio de Janeiro, Brasil. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) định nghĩa kinh tế xanh là một nền kinh tế có lượng các-bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bao trùm xã hội. Về bản chất, kinh tế xanh là một hệ thống kinh tế ưu tiên sự bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy phúc lợi kinh tế và xã hội. Nếu như các mô hình kinh tế truyền thống thường ưu tiên tăng trưởng kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến môi trường thì kinh tế xanh về bản chất là một hệ thống kinh tế ưu tiên sự bền vững và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy phúc lợi kinh tế và xã hội. Nền kinh tế xanh được đặc trưng bởi sự chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng các công nghệ mới, sạch hơn, hiệu quả hơn cũng như thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ xanh. Nền kinh tế xanh tuân thủ 5 nguyên tắc chính, trong đó mỗi nguyên tắc đều dựa trên các tiền lệ quan trọng trong chính sách quốc tế gồm nguyên tắc an sinh, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc ranh giới hành tinh, nguyên tắc hiệu quả-đầy đủ và nguyên tắc quản trị tốt. Khi nhà nước và tư nhân đầu tư vào các hoạt động kinh tế xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh cũng như đầu tư vào tài sản xanh sẽ không chỉ mang lại sự tăng trưởng việc làm và thu nhập cho người lao động, mà còn cho phép giảm lượng phát thải các-bon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, mà còn ngăn ngừa sự mất đi các dịch vụ của hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của kinh tế xanh đặc biệt trong việc khuyến khích phát triển bền vững, giúp chống lại các biến đổi khí hậu, cải thiện hệ sinh thái cũng như đảm bảo kết quả công bằng cho tất cả mọi người trong cộng đồng, tại Việt Nam, ngày 25/9/2012, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Ngày 01/10//2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Các mục tiêu cụ thể bao gồm: (a) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, theo đó đến năm 2030 cường độ phát khí thải nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014, đến năm 2050 cường độ phát khí thải nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014;  (b) Xanh hóa các ngành kinh tế; (c) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (d) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết tập trung làm rõ khái niệm kinh tế xanh, thống kê kết quả đã đạt được của Việt Nam trong giai đoạn 1 (2011-2021) thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và chỉ ra các nhân tố theo phân tích định tính có thể tác động đến kết quả thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Xây dựng mô hình cũng như đánh giá tác động định lượng sẽ được tiếp tục thực hiện trong các bài nghiên cứu tiếp theo.
2. Tình hình thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế xanh (giai đoạn 2011-2021), Việt Nam đã ghi nhận một số những thành tựu nhất định:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10 năm (2011-2021) ở mức 5,65%, giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường. Năng lượng tiêu hao tính trên GDP trung bình giảm 1,8%/năm.
- Năm 2021 số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69,3%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm 24,5%, doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm 3,5% và doanh nghiệp có quy mô lớn là 2,6%. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cam kết thực hiện phát triển xanh chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn và một số ít là quy mô vừa (SATRA, Vinamilk, GFS, HHP...). Tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có nhận thức về sản xuất xanh tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020.
- Tính đến ngày 1/12/2021, diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ trên toàn quốc là 13.923.108 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% (tăng 0,01% so với năm 2020), đồng thời, ngành Lâm nghiệp cũng có những kết quả ấn tượng khác như diện tích trồng rừng đạt hơn 277.830 ha. Mục tiêu đạt tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức từ 42% đến 43%, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong NCD.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp, các chính sách, biện pháp đã và đang được thực thi nhằm hướng các hộ nông dân tới việc làm nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp nông thôn, sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa các-bon vào năm 20250.
- Trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các dự án đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Mục tiêu hướng tới là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2023, 25-30% vào năm 2045; quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030; bảo vệ  môi trường và kết cấu hạ tầng vùng ven biển, chống sa mạc hóa, suy thoái đấy , bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính.
- Theo báo cáo của Bộ Công Thương Việt Nam (MOIT) công bố ngày 30/6/2019, sản lượng điện của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 60.000MW với sự đóng góp chủ yếu của thủy điện và nhiệt điện. Tổng cộng, hai nguồn điện này chiếm khoảng 87,7% tổng công suất điện tại Việt Nam năm 2020, trong khi các loại nhà máy thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo khác chiếm 9,9% còn lại và 2,4% còn lại là nhập khẩu. Trong Quy hoạch Tổng thể phát triển điện lực quốc gia VII sau này là VIII sửa đổi giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng điện lên 129.500MW, giảm nguồn năng lượng từ thủy điện và nhiệt xuống còn 59.6%, tăng nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) lên 21% vào năm 2030. (Bảng 1)
Bảng 1.  Lượng phát thải các-bon tại Việt Nam (2017-2020) Nguồn: WB
Số liệu tổng hợp trong các báo cáo trình được bày tại chương trình hội thảo tham vấn kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phục vụ xây dựng thông báo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam gửi UNIFCCC vừa diễn ra vào ngày 24 tháng 5 năm 2024 cho thấy năm 2020 phát thải nhà kính tại Việt Nam tăng đáng kể so với năm 2018. Tuy nhiên với sự nỗ lực cùng với các chính sách mới về giảm phát thải nhà kính đang và sẽ tiếp tục được được triển khai Việt Nam cam kết giảm 15,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính không điều kiện và 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính có điều kiện so với kịch bản BAU vào năm 20230, cam kết tới năm 2050 Việt Nam đạt phát ròng bằng 0.
Bảng 2: Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính năm 2028, 2020. Nguồn: Cục biến đổi khí hậu - Bộ tài nguyên và môi trường (2024)
Có thể khẳng định, phát triển xanh là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam đang theo đuổi, mặc dù con đường tiến tới nền kinh tế xanh đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song khi tập trung mọi nguồn lực, với sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan, ban ngành đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, có sự cam kết của các doanh nghiệp và đặc biệt nhận được sự chung tay góp sức của mỗi người dân, tin tưởng rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu chiến lược quốc gia, thực thi đúng cam kết phát triển bền vững quốc tế.
3. Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược kinh tế xanh
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của Chiến lược Phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam, dưới góc độ lý thuyết, có thể liệt kê một số nhân tố liên quan trực tiếp như công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, thay đổi thói quen, hành vi sinh hoạt, lối sống của người dân; sự cam kết vào cuộc của các doanh nghiệp; các hoạt động đầu tư cho giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ mới, năng lượng mới và công tác bổ sung hoàn thiện khung pháp lý cũng như hệ thống chính sách phát triển kinh tế xanh của Nhà nước.
3.1. Nhận thức của người dân
Nhận thức là quá trình tiếp thu, học hỏi các kiến thức, thông tin về mọi lĩnh vực đời sống. Nhờ vào nhận thức mà con người có thể dễ dàng nắm bắt được bản chất của các sự việc, hiện tượng xoay quanh cuộc sống. Có 2 giai đoạn của nhận thức đó là nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác, biểu tượng) và nhận thức lý tính (khái niệm, phán đoán, suy luận). Khi nhận thức đúng và đủ sẽ giúp cho con người thu thập được nguồn thông tin tích cực, đánh giá và làm sáng tỏ được sự việc, sự vật, tính huống và nhờ đó mà hình thành nên những hành vi, thái độ ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau.
Sau hơn 10 năm kể từ thời điểm chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt lần đầu tiên, mặc dù chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định trong các văn kiện hoạch định đường lối về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xong có thể nói khái niệm này đến nay vẫn còn tương đối mới, đặc biệt là trong nhận thức của nhiều tầng lớp người dân trong xã hội.
Sự nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc trong xã hội về vấn đề quan trọng này đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác thông tin và tuyên truyền. Các cơ quan chuyên trách cần phải xây dựng nhiều kịch bản, lên kế hoạch truyền thông cụ thể theo từng giai đoạn, lựa chọn phương thức phù hợp tiếp cận với từng lớp đối tượng khác nhau để phổ biến kiến thức về kinh tế xanh, tầm quan trọng của phát triển xanh, phát triển bền vững để đạt được mục tiêu thay đổi trong nhận thức của người dân. Từ đó, khi mỗi người đều có được sự hiểu biết đúng đắn, một thái độ tích cực sẽ hướng con người đến  việc tự ý thức điều chỉnh hành vi, thực hiện thay đổi thói quen sinh hoạt cá nhân, không những vậy còn giúp lan tỏa hành động của mình đến những người thân xung quanh, góp phần hình thành nên nhiều cộng đồng cùng sẵn sàng thay đổi, cùng hành động xanh, tiêu dùng xanh, để hướng đến một cuộc sống xanh.
3.2. Cam kết của doanh nghiệp
Cam kết được hiểu là lời hứa sẽ thực hiện hoặc không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của các bên trong một giao dịch. Điều khoản trong cam kết dùng để điều chỉnh hành vi của các bên từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến khi giao dịch hoàn tất hoặc thậm chí là các nghĩa vụ sau khi giao dịch được hoàn tất. Chuyển đổi xanh trong giai đoạn này không chỉ là những cam kết chính trị ở tầm chiến lược, tầm nhìn quốc gia, chuyển đổi xanh đã và đang trở thành đòi hỏi tất yếu của thị trường, là câu chuyện, chủ đề nóng của tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.
ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp. Đây là 3 trụ cột của phát triển xanh - bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thực hiện phát triển xanh theo đuổi tiêu chí ESG cam kết vừa phát triển doanh nghiệp, vừa quan tâm đến môi trường xã hội. Những hành động cụ thể của doanh nghiệp xanh được thể hiện từ khâu lựa chọn vật liệu xây dựng công trình, nhà máy xanh, đảm bảo thảm cỏ xanh, diện tích trồng cây xanh trong khuôn viên (hạn chế bức xạ), 100% người lao động trong doanh nghiệp hình thành thói quen sử dụng tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà (điện, nước,...), tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo (lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái các tòa nhà), quản lý xử lý nguồn phát thải theo tiêu chuẩn, sử dụng nguồn nhiên liệu sạch (CNG, Biomass, mặt trời, gió...) thay cho than, dầu..., lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất cũng theo đuổi lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo kết quả khảo sát 234 doanh nghiệp Việt Nam của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam công bố vào cuối tháng 10/2022 cho biết, có 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động. Trong khi 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là đại đa số các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG hoặc không có đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh và bền vững. Tiên phong chuyển đổi xanh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng là người đi đầu cũng sẽ có được nhiều những lợi ích, ngoài giá trị tự thân do kinh tế xanh mang lại, doanh nghiệp chuyển đổi xanh nếu nắm vững quy định và có công nghệ tốt sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng xanh dồi dào. Hiện nay nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới, các ngân hàng trong nước và ngân hàng ở nước ngoài cũng rất quan tâm đến vấn đề tạo ra tín dụng xanh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tranh thủ nhận được các gói hỗ trợ, bắt tay vào triển khai lộ trình xanh hóa doanh nghiệp nhằm góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia bởi doanh nghiệp là nòng cốt trên tất cả lĩnh vực sản xuất nhưng cũng là đối tượng phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực đến môi trường nhiều nhất.
3.3. Đầu tư cho giáo dục đào tạo
Giáo dục luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong bất kỳ thời đại nào. Mang trong mình sứ mệnh giáo dục, đào tạo, phát triển thế hệ công dân hiện tại và tương lai của đất nước, mục tiêu công tác giáo dục đào tạo trong nhà trường là trang bị cho người học kiến thức nền tảng, cập nhật những kiến thức mới, rèn luyện ý thức đạo đức, trau dồi những kỹ năng phẩm chất cần thiết, tạo ra những công dân ưu tú, vừa hồng vừa chuyên cho quốc gia. Điều này đòi hỏi một sự đầu tư đúng mức cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Việt Nam hiện đã đạt được phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trước thực tế gia tăng chóng mặt của hệ thống các trường tư thục các cấp, một nhiệm vụ đặt ra là làm sao có thể rút ngắn khoảng cách, giảm sự khác biệt để đạt được nền giáo dục bình đẳng, thống nhất, hòa nhập trong học tập, chia sẻ trong nghiên cứu.
Trong thời đại số hóa, phương pháp giảng dạy hiện đại đã dần thay thế hoàn toàn cho phương pháp giảng dạy truyền thống. Người học đóng vai trò là người học số, tài liệu học tập là tài liệu số, thầy cô là người đồng hành, là người hướng dẫn, định hướng, gợi mở trao đổi những kiến thức để giúp người học có thể phát huy tối đa tính sáng tạo, rèn luyện kỹ năng học tập chủ động, tập hợp xử lý thông tin, giải quyết vấn đề và có được tư duy phản biện. Qua đó đem lại cho người học thái độ tự tin, dễ dàng thích nghi với những thay đổi, sẵn sàng đối mặt, ứng phó linh hoạt, giải quyết được những bài toán hóc búa mà đất nước cũng như các quốc gia trên thế giới đang và sẽ phải gánh chịu. Việc đáp ứng được mục tiêu giáo dục có chất lượng sẽ góp phần vào sự tiến bộ của tất cả các mục tiêu phát triển bền vững khác.
3.4. Đầu tư cho R&D
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị- xã hội, đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, từng bước thuẹc hiện chuyển đổi số toàn diện là cơ hội lớn mang lại hiệu quả tăng trưởng xanh, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, việc áp dụng chyển đổi số trong quản lý, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, sử dụng công nghệ mới, thay thế nguồn năng lượng truyền thống bằng nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch thân thiện với môi trường của cả người dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh. Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo Techopedia, công nghệ xanh không chỉ tác động tích cực đến nền kinh tế khi cho phép công ty tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua khuyến khích đổi mới và tạo việc làm.
Các chuyên gia nhận định rằng công nghệ xanh là một trong những giải pháp hàng đầu trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một lĩnh vực tràn đầy triển vọng phát triển trong tương lai và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công nghệ xanh.
Mặc dù nhận thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ mới trong việc thực hiện chiến lược xanh, xong do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, tâm lý e ngại, sợ đầu tư không mang lại hiệu quả, mặt khác những khó khăn trong việc giải ngân, cơ chế hoạt động không thu hút được những nhà khoa học giỏi, chuyên gia giỏi của Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài nên công tác R&D công nghệ mới ở Việt Nam, đặc biệt trong các tổ chức, doanh nghiệp còn khá nhỏ giọt. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những động thái tích cực hơn xong vẫn còn một số vướng mắc chưa được tháo gỡ. Do đó, trong tương lai Chính phủ cần đẩy mạnh ưu tiên đầu tư, tăng chi ngân sách nhiều hơn nữa cho các hoạt động R&D liên quan đến công nghệ xanh. Thực tế đã có nhiều bài học kinh nghiệm được chia sẻ và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi tiếp thu từ những thành tựu đạt được của các quốc gia có đặc điểm kinh tế, chính trị -xã hội, văn hóa tương đồng trong khu vực và trên thế giới.
3.5. Khung pháp lý, hệ thống chính sách của Nhà nước
Đầu tư tăng trưởng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đầu tư thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào quy định tổng thể, đồng bộ về chính sách phát triển “kinh tế xanh” khiến các doanh nghiệp còn e dè, cầm chừng trong việc thực hiện chuyển đổi xanh. Yêu cầu đầu tiên là cần rà soát các văn bản hiện hành, nhanh chóng bổ sung sửa đổi, ban hành những điều khoản hướng dẫn chuyển đổi cho các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt ưu tiên các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân hàng, môi trường, năng lượng, phát minh sáng chế và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc, do đó công tác khung pháp lý, hệ thống chính sách, quy định văn vản pháp luật liên quan cần phải được ban hành càng sớm càng tốt, trên cơ sở tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng cùng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, để doanh nghiệp tích cực chủ động thực hiện chuyển đổi xanh theo đúng lộ trình.
4. Kết luận
Nền kinh tế xanh rất quan trọng cho sự phát triển bền vững vì nó đưa ra con đường hướng tới việc đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế cùng một lúc. Bằng cách thúc đẩy tính bền vững và bảo vệ môi trường, nền kinh tế xanh có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường, như ô nhiễm không khí và nước, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu. Đồng thời, nền kinh tế xanh cũng có thể thúc đẩy phúc lợi kinh tế và xã hội bằng cách tạo ra cơ hội việc làm mới, cải thiện sức khỏe cộng đồng, giảm nghèo đói và bất bình đẳng. Hơn nữa, nền kinh tế xanh còn có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc về môi trường và kinh tế, như thiên tai, khan hiếm tài nguyên và suy thoái kinh tế. Bằng cách thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên, nền kinh tế xanh có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn và giảm thiểu chất thải và ô nhiễm. Điều này có thể giúp tạo ra một hệ thống kinh tế bền vững và công bằng hơn, được trang bị tốt hơn để giải quyết những thách thức của thế kỷ mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Công Thương (2019). Báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019.
2. Bộ Công Thương (2020). Báo cáo số 1931/BCT-ĐL về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, 2020.
3. Data.worlbank.org/country/VN , xem 20/4/2024
4. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh (vov.vn)
5. Đỗ Hương (2023). Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, < Việt Nam có gần 15 triệu ha rừng (baochinhphu.vn) >, xem 30/4/2024.
6. Intergovernmental Panel on Climate change (IPCC) 2023. Climate change 2023 – Synthesis Report.
7. Mohammad Hadi Dehghani, Rama Rao Karri,... Miklas Scholz (2023). Water, the Environment and the Sustainable Development Goals.
8. Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Thị Hoàng Yến (2017). Kinh nghiệm quốc tế về chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường.
9. OECD (2011). Greening Growth in Japan.
10. PWC (2022). Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022.
11. Quyết định số 1393/QĐ-TTg  (2012) < Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (chinhphu.vn) >, xem 20/4/2024.
12. Quyết định số 1658/QĐ-TTg (2021), < Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (chinhphu.vn) >, xem 20/4/2024.
13. Tài liệu hội thảo tham vấn kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phục vụ xây dựng thống báo quốc gia lần thứ 4 của Việt nam gửi UNECC (5/2024).
14. UNEP (2011). Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, UNEP, doi:10.1063/1.3159605.
15. WB (2022). Reconciling Economic Successes with Climate Risks, Vietnam Country Climate and Development Report.
Green economy and factors affecting the green economic development strategy’s implementation in Vietnam
Master. Nguyen Thi Bich Nguyet
Department of Economics, School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology.
Abstract:
As resources are gradually depleted, environmental problems and climate change are becoming more serious globally. To achieve sustainable development goals, many countries around the world, including Vietnam, have made efforts to promote the implementation of green transformation strategies, green development, and building a green economy - an economic system that prioritizes sustainability and environmental protection while promoting economic and social well-being. This paper clarified the concept of the green economy and identified the factors affecting the green economic development strategy’s implementation in Vietnam.
Keywords: green development, green economy, green transformation, sustainable development.
ThS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt
Bộ môn Kinh tế học - Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội
[Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 5 năm 2024]