[In trang]
Đà Nẵng: Kết quả từ 5 doanh nghiệp thí điểm SXSH
Thứ hai, 05/09/2011
Chương trình sản xuất sạch hơn, do Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng - Sở Công thương Đà Nẵng chủ trì, chính thức được triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2010.

Chương trình sản xuất sạch hơn, do Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng - Sở Công thương Đà Nẵng chủ trì, chính thức được triển khai tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2010.

Đây là chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về môi trường, do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế của Đan Mạch (DANIDA) tài trợ. Hàng chục cuộc hội thảo, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn… đã đem đến cho các doanh nghiệp những tư duy mới về tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, với mục tiêu lớn là giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Với sự giúp đỡ, tài trợ của Bộ Công thương, các tổ chức quốc tế… trung tâm đã tiến hành áp dụng thí điểm SXSH vào một số doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau, trên cơ sở đó sẽ phổ biến rộng rãi trên toàn địa bàn.

Sau hơn 6 tháng làm thử, tại 5 doanh nghiệp điểm cho thấy việc áp dụng sản xuất sạch hơn đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt đối với sản xuất của các doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên liệu trong sản xuất và bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Công ty TNHH Thanh Thu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt nhà thép tiền chế. Để sản xuất được mặt hàng này, công ty cần một lượng sắt, thép, tôn và tiêu thụ một lượng lớn điện. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để giảm ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất của công ty gây ra. Các tác nhân gây ô nhiễm là bụi, rỉ sắt, nước thải và các phế liệu, như bụi kim loại do trong quá trình gia công sinh ra và bay ra ngoài, bụi rỉ sắt theo gió, lơ lửng trong không khí, sau đó lắng đọng, trở lại thành nguồn gây ô nhiễm. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Trung tâm đã đưa ra một số giải pháp được doanh nghiệp chấp nhận như xây dựng hệ thống hút bụi và đầu tư hệ thống phun cát ướt và tận dụng nguyên liệu (sắt, thép, nhôm) để sử dụng lại. Kết quả là công ty đã tiết kiệm được 2 đến 3% nguyên liệu, giảm lượng bụi bay vào không khí…

Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn là đơn vị sản xuất hàng mộc tinh chế xuất khẩu, nội địa, với 220 lao động có việc làm thường xuyên. Kết quả khảo sát đánh giá tại xí nghiệp nổi lên một số điểm chính như các giàn nhiệt tại các máy chưa có hệ thống bảo vệ tiếng ồn, dầu tại các mô-tơ thủy lực rò rỉ, công tác bảo trì vệ sinh các máy ít (khoảng 1-2 lần/năm). Từ đó trung tâm đã đưa ra các giải pháp sau: Lựa chọn thay đổi lưỡi cưa của thiết bị cưa xẻ mới, công suất lớn, hiện đại. Giảm số lượng máy cầm tay trong sản xuất. Đầu tư cải tiến thiết bị thu gom lượng mùn cưa cung cấp cho các cơ sở có nhu cầu hoặc đầu tư sản xuất ván ép, thay thế các loại máy cưa, xẻ công suất nhỏ hiện nay bằng máy có công suất lớn, tiêu thụ ít điện năng... Kết quả, sau khi triển khai một số giải pháp do trung tâm đề xuất, lượng mùn cưa được thu gom tăng 40% (trước đây bay ra môi trường), năng lượng để chạy máy cưa giảm 20% (máy cưa cầm tay được thay bằng máy cưa có công suất lớn, năng suất cao và tiết kiệm điện), ô nhiễm môi trường trong khu dân cư giảm nhiều, nguyên liệu tiết kiệm được đã đem lại cho xí nghiệp nguồn thu tương đối.

Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường sau khi triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn đã thu được kết quả khả quan. Từ phân tích, đánh giá của tư vấn, công ty đã và đang thực hiện các biện pháp có giá trị đầu tư thấp (15/18 giải pháp). Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện dây chuyền sản xuất đáp ứng được điều kiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, triển khai đầu tư hệ thống xử lý môi trường và nâng cao hiệu quả sản suất trong thời gian tới.

Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng, theo đánh giá ban đầu, có nhiều vị trí có tổn thất năng lượng rất lớn, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn huỳnh quang T10 - công suất 40W, chấn lưu sắt từ là loại đèn ballast phổ thông hiện tại, tính năng tiết kiệm điện không cao. Vì vậy cos φ của hệ thống thấp, gây ra tổn thất đường dây cao. Giải pháp đưa ra để áp dụng là thay thế các loại đèn hiện có T10 (40W) bằng các loại đèn T8 (36W). Theo tính toán tiết kiệm được khoảng 1.536 kWh điện/tháng và giảm 5% tiêu thụ điện năng trong sản xuất.

Công ty sản xuất sắt Thanh Tín chuyên sản xuất luyện đúc phôi, kinh doanh các loại sắt thép...Qua khảo sát, cho thấy động cơ máy cán thép luôn hoạt động với quy trình bán tự động (tải thay đổi phụ thuộc vào việc tiếp liệu của công nhân vận hành), công suất động cơ chỉ 40-80%. Vì vậy, động cơ sẽ tiêu thụ một lượng điện năng lớn, điều này gây tổn hao về điện năng, làm cos φ động cơ thấp. Một phần điện năng sẽ chuyển thành nhiệt, làm nóng cuộn dây và làm rung rô-to, dẫn đến động cơ phát ra tiếng ồn, già hóa chất cách điện, mài mòn cơ khí ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ. Để tiết kiệm điện và kéo dài tuổi thọ của động cơ, trung tâm đã tư vấn cho công ty động cơ khi lắp Dr.Power và đã được công ty chấp nhận và đang triển khai.

Sản xuất sạch hơn là một trong những xu thế tất yếu hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO. Những vấn đề có tính toàn cầu như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao lợi thế cạnh tranh… có tính chất “sống còn” đối với mỗi doanh nghiệp. Do nguồn kinh phí có hạn, nên Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng chỉ có thể hỗ trợ một phần kỹ thuật áp dụng Sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp. Do vậy, mỗi doanh nghiệp trên cơ sở khả năng tài chính, điều kiện sản xuất hiện tại và định hướng lâu dài phải có kế hoạch, chiến lược, từng bước áp dụng sản xuất sạch hơn để phát triển và hội nhập.

Đức Thịnh