[In trang]
Tăng cường xử lý tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng
Thứ tư, 29/06/2016
Phát thải tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất đã và đang trở thành vấn đề bức xúc về môi trường. Nhằm tìm hiểu thực trạng xử lý tro xỉ, thạch cao thành VLXD thân thiện môi trường, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Tới.

Phát thải tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất đã và đang trở thành vấn đề bức xúc về môi trường. Nhằm tìm hiểu thực trạng xử lý tro xỉ, thạch cao thành VLXD thân thiện môi trường, Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Tới.

PV: Xin ông cho biết thực trạng phát thải cũng như việc xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Văn Tới:
Cả nước hiện có 19 nhà máy nhiệt điện và nhiều nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, luyện thép đang hoạt động. Hàng năm, các nhà máy này đã thải ra môi trường khoảng 11 triệu tấn tro, 5 triệu tấn xỉ đáy lò và khoảng 4 triệu tấn bã thạch cao.

Những năm vừa qua, các nhà máy nói trên chưa có ý thức cao trong việc xử lý phát thải, mà thường xử lý phát thải một cách tự phát. Tro xỉ và thạch cao được sử dụng đúng nghĩa phế thải. Có người đến mua thì bán hoặc cho không. Thậm chí, phát thải được đổ ở trong bãi chứa một cách hổ lốn. Trong khi đó, việc giám sát của các bộ, ngành đối với việc xử lý tro xỉ và thạch cao của các nhà máy nói trên vẫn dừng ở mức độ thấp, chưa ráo riết.

Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ còn có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than và nhiều cơ sở sản xuất phân bón. Dự kiến, hàng năm các nhà máy này phát thải 30 - 40 triệu tấn phế thải. Để có thể chứa chỗ phế thải đó, cần khoảng 600 nghìn hecta, tức là cứ 4 năm thì sẽ mất diện tích của một xã trung bình.

Trước thực trạng này, ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất. Mục tiêu của các giải pháp này là xử lý phế thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD, cũng như sử dụng trong xây dựng. Các giải pháp này đồng thời giúp giảm diện tích bãi thải; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong sản xuất VLXD.

PV:
Vậy theo ông, Quyết định 1696/QĐ-TTg có ý nghĩa quan trọng như thế nào?


Ông Lê Văn Tới:
Quyết định 1696/QĐ-TTg là một quyết định mang tính đột phá. Trước đây, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy phân bón, hóa chất chỉ chú ý đến sản phẩm, trong khi phế thải của nhà máy thì chưa được để quan tâm đúng mức. Quyết định 1696 đã “cột” trách nhiệm các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy phân bón hóa chất phải phân loại, sơ chế đảm bảo đủ tiêu chuẩn sử dụng làm VLXD, nguyên liệu sản xuất VLXD. Theo quy định, nhà máy nhiệt điện mới đầu tư chỉ được sử dụng bãi chứa chất thải trong vòng 2 năm. Các nhà máy được đầu tư trước đó, thì từ nay đến năm 2020 sẽ phải rà soát lại diện tích sử dụng bãi phế thải thừa và cũng chỉ được sử dụng trong 2 năm. Số diện tích dôi ra phải được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tôi cho rằng Quyết định 1696 là một chế tài mạnh và hiệu quả. Bởi nếu bãi thải đầy thì nhà máy không thể sản xuất được mà phải dừng sản xuất để xử lý phế thải. Và nếu không có những giải pháp xử lý thì tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy phân bón, hóa chất sẽ ngày càng trở thành vấn nạn môi trường lớn.

PV: Sau gần 2 năm được ban hành, Quyết định 1696/QĐ-TTg được thực hiện trong thực tế như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Tới:
Từ khi Quyết định 1696 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc. Bộ Công thương (Bộ quản lý chuyên ngành nhà nước các nhà máy nhiệt điện chạy than, các nhà máy phân bón) đã có những chủ trương, chỉ đạo đối với các nhà máy này. Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đã có những giải pháp, chỉ đạo nhất định đối với các đơn vị thành viên trong việc thực hiện Quyết định 1696.

Bộ Xây dựng theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, viện nghiên cứu trong ngành, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, trên cơ sở đó xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ để ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn sử dụng tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD, cũng như VLXD sử dụng trong xây dựng...

Điều đáng mừng là khi Quyết định 1696 có hiệu lực, không chỉ các bộ, ngành, địa phương mà cả các DN cũng phải tập trung vào việc. Mỗi nhà máy, mỗi cơ sở có một điều kiện riêng nhất định. Nhà máy gần đường giao thông thì phát thải được sử dụng thuận lợi hơn. Đơn cử như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình đã xử lý gần như không còn phế thải.

Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, tuy địa điểm ở xa, nhưng khi Quyết định 1696 có hiệu lực, nhà máy đã chủ động ký hợp đồng với các đơn vị xử lý phế thải. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiệt điện Cao Ngạn đã không còn phế thải.

Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn thì đã có hướng xử lý phát thải ngay từ khi nhà máy đi vào vận hành. Một số nhà máy khác còn phế thải hiện nay cũng đã có những hướng xử lý, tiêu thụ tro xỉ đó…

Các Bộ chuyên ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Công thương cũng đã có sự vào cuộc, chỉ đạo, hỗ trợ các DN trong vấn đề này rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư vẫn chưa có hình thức thỏa đáng để thực hiện nghĩa vụ của mình triệt để trong việc xử lý tro xỉ thạch cao. Trong thời gian tới, các đơn vị đó sẽ buộc phải xử lý triệt để. Nếu bản thân đơn vị không thực hiện được thì phải bỏ tiền ra thuê đơn vị khác để xử lý.

PV: Các DN đầu tư công nghệ xử lý tro xỉ làm VLXD và các DN sản xuất VLXD không nung từ tro xỉ đã qua xử lý đang kêu khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống. Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để hỗ trợ DN phát triển VLXD thân thiện môi trường?

Ông Lê Văn Tới: Mới đây, ngày 4/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP quản lý VLXD. Theo đó, những cơ sở sản xuất VLXD thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên sẽ được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư.

Theo tôi, để hỗ trợ cho các DN sử dụng vật liệu này cần quán triệt tốt Nghị định 24a, Quyết định 1696 và Quyết định 567/QĐ-TTg (phê duyệt tiếp Chương trình phát triển VLXD không nung), đặc biệt là chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXD không nung hạn chế sử dụng gạch đất sét nung.

Như đã đề cập, với chức trách của mình, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh, rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn xử lý, sử dụng phế thải tro xỉ thạch cao trong các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, để sử dụng trong việc sản xuất VLXD và công trình xây dựng.

Bộ Xây dựng đồng thời sẽ xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình khoa học trọng điểm về xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất. Mục tiêu là tới năm 2020 phải sử dụng được ít nhất 60% phế thải tro xỉ, thạch cao từ những nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất làm VLXD.

PV:
Trân trọng cảm ơn ông!