[In trang]
Phú Thọ: Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển cơ sở sản xuất
Thứ hai, 27/10/2014
Với gần 4.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, cộng đồng doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định vai trò to lớn của mình thông qua những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, cũng như trong công cuộc đổi mới trên quê hương Đất Tổ. Nhân dịp Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc phỏng vấn Đồng chí Nguyễn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương về những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.

Với gần 4.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, cộng đồng doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang khẳng định vai trò to lớn của mình thông qua những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội, cũng như trong công cuộc đổi mới trên quê hương Đất Tổ. Nhân dịp Kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc phỏng vấn Đồng chí Nguyễn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương về những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.

Phóng viên: Những năm gần đây nền kinh tế của tỉnh luôn đạt được mức tăng trưởng cao. Đây là nỗ lực của các cấp ngành và toàn thể nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng chí nhận xét gì về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Hữu Thắng: Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá, kinh tế ngoài quốc doanh phát triển nhanh, tạo động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu của tỉnh. Từ năm 2009 đến nay công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được vị trí tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du miền núi Bắc bộ. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa ra khỏi khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn được đánh giá là một trong những địa bàn hấp dẫn thu hút vốn đầu tư... Đóng góp vào kết quả chung có vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.


Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân ở tỉnh ta ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ trực tiếp làm ra của cải, duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế; bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường, bình ổn giá cả; đóng góp nguồn thu quan trọng vào ngân sách tỉnh nhà; cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác trên quê hương Đất Tổ. Với truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở tỉnh ta luôn nỗ lực sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và đóng góp ngày càng nhiều vào các hoạt động từ thiện xã hội trên địa bàn tỉnh. Với gần 4.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hàng năm đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh, thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 130 ngàn lao động, cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vai trò to lớn của mình thông qua những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế cũng như trong công cuộc đổi mới trên quê hương Đất Tổ. Để thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây, bên cạnh cơ chế, chính sách của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã đặc biệt quan tâm tới đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vì thế hàng hóa của tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể. Nhiều sản phẩm hàng hóa đã được khẳng định về uy tín, chất lượng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nhiều lĩnh vực sản xuất đã khai thác khá tốt các tiềm năng lợi thế của tỉnh. Có thể thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác.

 

Phóng viên: Trước rất nhiều khó khăn tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp, với vai trò quản lý nhà nước, ngành Công thương đã có những giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ và đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh?

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Thắng: Bên cạnh các chính sách của Chính phủ của tỉnh về kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn; miễn, giảm thuế; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thông tin và mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình giao thông; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp... ngành Công thương cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường; tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may... Ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại để phát triển công nghiệp địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác trong ngành, giữa các ngành và giữa các thành phần kinh tế để khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất xã hội, tránh tình trạng khép kín, lãng phí trong đầu tư. Hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn tiến tới cả dây chuyền sản xuất cho phù hợp với nguồn lực tài chính và trình độ của người lao động, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước. Tập trung đổi mới công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, không nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, nhanh chóng đưa các sản phẩm chủ yếu thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, mã số, mã vạch. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định của Nhà nước về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các doanh nghiệp sai phạm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng sạch, công nghệ hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình tiết kiệm năng lượng. Thúc đẩy các doanh nghiệp tự đổi mới tại tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, chủ động chuyển hướng đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo ra tư duy kinh tế mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...


Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!

Đức Minh (thực hiện)