[In trang]
Bình Dương khuyến khích doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới
Thứ tư, 25/03/2020
Nghị định 95 khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên và tuân thủ đúng quy hoạch.
Nghị định số 95/2019/ NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu được ghi nhận với nhiều điểm mới đã chính thức có hiệu lực. Đặc biệt Nghị định 95 khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ mới, giảm tác động đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên và tuân thủ đúng quy hoạch.
 Hệ thống điều khiển dây chuyền sản xuất gạch công nghệ Đức của Công ty gạch HASS
Nhiều điểm mới
Các chuyên gia cho rằng có 8 điểm đổi mới tại Nghị định 95 mà đầu tiên là phạm vi điều chỉnh đã được sửa đổi bổ sung. Theo đó, các hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ bao gồm đầu tư, sản xuất; quản lý chất lượng, kinh doanh; chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Riêng đối với vật liệu xây dựng kim loại và vật liệu xây dựng không có nguồn gốc từ khoáng sản thì Nghị định này chỉ điều chỉnh về quản lý chất lượng và kinh doanh. Cùng với đó, các loại vật liệu xây dựng cũng được phân định rõ bao gồm xi-măng, vật liệu ốp lát (ceramic, granit, cotto, đá ốp lát nhân tạo, đá ốp lát tự nhiên), sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, vật liệu chịu lửa. Còn khoáng sản làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu bao gồm: đá làm đá ốp lát, đá làm vôi, cát trắng silic, cao lanh, đất sét trắng, fenspat, đất sét chịu lửa, dolomit, bentonite và các loại khoáng sản làm xi-măng được quy hoạch trên phạm vi cả nước.
Việc quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng sẽ gồm những nội dung từ khâu tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến đến sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng cũng được nêu rõ tại Nghị định quản lý vật liệu xây dựng là: “Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu xây dựng; lập, trình thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Đáng chú ý, Nghị định 95 đã xóa bỏ toàn bộ chương về quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia cao cấp Bộ Tài Chính, cho rằng những nội dung này đã được đưa vào Luật Quy hoạch và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, nên cần tách ra để tránh trùng lặp.
Sản xuất phải phù hợp với quy hoạch
Theo các chuyên gia, một trong những điểm sáng của Nghị định 95 chính là việc yêu cầu các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Các vấn đề về sản phẩm hay điều kiện được hưởng khi sử dụng công nghệ cao trong sản xuất cũng đã được hướng dẫn thực hiện theo nội dung của Luật Chuyển giao công nghệ... Đồng thời, những dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cũng được đề cập đến, cụ thể là việc hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án đầu tư có chi phí chuyển giao theo quy định tại Điều 9 và Điều 38 của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.
Doanh nghiệp còn nhiều trăn trở
Tuy nhiên, triển khai thực hiện Nghị định số 95 nhiều doanh nghiệp trăn trở về việc gặp khó trong hoạt động sản xuất, đặc biệt về vốn đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Văn Phơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ và xây dựng Quyền Phương, phường Tân Định, TX.Bến Cát, cho biết: “Hiện nay công ty có 4 máy sản xuất sản phẩm gạch không nung, công nghệ sản xuất của Việt Nam. Giá bình quân 1 máy khi doanh nghiệp mua chỉ 500 triệu đồng. Hai chiếc máy sản xuất gạch xây, 2 máy sản xuất gạch lót sân vườn. Công ty hiện đang hoạt động rất ổn định. Nếu ngay lập tức phải đầu tư, chuyển đổi công nghệ mới vào sản xuất theo quy định của Nghị định 95 tôi nghĩ vấn đề này không chỉ khó khăn cho riêng công ty tôi mà sẽ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp khác về sản xuất gạch không nung, nhất là các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Bởi nhu cầu vốn đầu tư cho dây chuyền sản xuất công nghệ cao là rất lớn”.
Ông Phạm Văn Phơn cho biết thêm, hiện nay 1 máy sản xuất công nghệ của nước ngoài có giá từ 5-6 tỷ đồng, có máy có giá đến 10 tỷ đồng, đắt hơn rất nhiều so với số tiền mua máy của Việt Nam. Bên cạnh đó, máy sản xuất của Việt Nam hoạt động ít nhất là 3 năm không phải sửa chữa, có máy có thể hoạt động 5 năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lo ngại vấn đề mặt bằng và thị trường tiêu thụ. Bởi nếu doanh nghiệp đã mua được thiết bị công nghệ hiện đại của nước ngoài thì cần mặt bằng rộng và thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt. Tuy nhiên, mặc dù công suất sản xuất của thiết bị công nghệ lớn, sản xuất được nhiều sản phẩm nhưng doanh nghiệp lại tiêu thụ sản phẩm không hết.
Tương tự, Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Công ty gạch HASS, TX.Tân Uyên, cho biết: “Nhằm tăng cường đổi mới vật liệu xây dựng, Công ty đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung theo công nghệ Đức ở phường Thạnh Phước. Các sản phẩm gạch không nung chính của công ty gồm gạch Block, gạch U Block, gạch O Block, gạch tường, gạch sàn nhà… Ngoài ra, công ty còn cung cấp các trang thiết bị, vật liệu hỗ trợ xây dựng như vữa xây mạch mỏng, vữa tô, bột trét. Các sản phẩm của công ty đã được sử dụng trong nhiều công trình trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạch không nung tại Việt Nam nói chung và tại Bình Dương nói riêng vẫn chậm, đây vẫn là khó khăn chung cho doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này”.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, các quy định trong Nghị định 95 đều mang tính mục tiêu như tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, bền vững... Những mục tiêu này đều rất cần thiết trong sản xuất, không chỉ đòi hỏi riêng các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phải đáp ứng mà còn thể hiện rất rõ trong nhiều quy định tại các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ... Các doanh nghiệp cần nên thích nghi. Trong quá trình phát triển theo công nghệ 4.0, các doanh nghiệp nên coi đây là thước đo chuẩn mực để các cơ quan quản lý áp dụng, tham chiếu và hãy coi đó là “đích ngắm” để đáp ứng.
Theo Sở Xây dựng, từ nay đến cuối năm 2020, sở sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; sử dụng chất thải sinh hoạt làm nguyên, nhiên liệu sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, sở thường xuyên theo dõi, cập nhật thị trường vật liệu xây dựng; thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi-măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu. Chỉ tiêu năm 2020 đặt ra đối với sản lượng sản phẩm xi-măng khoảng 450.000 tấn. 
Phương Lê