[In trang]
Sản xuất sạch hơn hướng tới công nghiệp bền vững
Thứ ba, 14/01/2020
Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là một chiến lược lớn của nền kinh tế Việt Nam nhằm hướng tới một nền sản xuất bền vững, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường. Với Lâm Đồng, hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chú trọng vào những doanh nghiệp nằm trong ưu tiên của tỉnh, đồng thời cũng sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là một chiến lược lớn của nền kinh tế Việt Nam nhằm hướng tới một nền sản xuất bền vững, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường. Với Lâm Đồng, hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp chú trọng vào những doanh nghiệp nằm trong ưu tiên của tỉnh, đồng thời cũng sản xuất những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Công đoạn “quay thơm” trà Olong hữu cơ trong dây chuyền chế biến hiện đại ở Doanh nghiệp Long Đỉnh. Ảnh: V.Việt
Công ty TNHH Đan Ngọc (Bảo Lộc) là doanh nghiệp chuyên nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo, một sản vật khá đặc biệt của cao nguyên. Năm 2019, Công ty Đan Ngọc được Sở Công thương Lâm Đồng hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn với việc thay đổi công nghệ trong buồng tắm khí, máy lọc không khí. Ngoài ra, công ty thay đổi các giải pháp quản lý nội vi như đưa ra bản hướng dẫn, quy định cụ thể về chọn nhộng tằm sạch, đạt chuẩn, quy định của phòng cấy nấm, nuôi tơ, công nhân phải mặc đồ bảo hộ và khử trùng trước khi làm việc. Công ty cũng ban hành quy trình, định mức lượng nước sử dụng cho quá trình hấp, tập huấn cho công nhân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, sử dụng vừa đủ và tắt khi không sử dụng cũng như ban hành chế độ thưởng, phạt minh bạch. 
 
Đây là hàng loạt những cải tiến của Công ty TNHH Đan Ngọc sau khi được cán bộ tư vấn các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn. Việc cải tiến công nghệ, thay đổi giải pháp quản lý đã giúp công nhân nâng cao ý thức, khử trùng đúng kỹ thuật trước khi vào phòng nuôi cấy giúp giảm tỷ lệ nấm hỏng, giảm chất thải rắn ra môi trường, giảm tiêu hao nước. Đồng thời, thay đổi công nghệ trong buồng tắm khí, máy lọc không khí đã giúp khử trùng không khí trong buồng nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Ông Lê Phước Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, năm nào ngành cũng được phân bổ kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Nguồn kinh phí tăng lên mỗi năm, từ 934 triệu năm 2017 tới 1 tỷ 350 triệu năm 2019. Nguồn kinh phí bao gồm hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ để đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn, sau đó hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng giải pháp giúp giảm thiểu tiêu hao nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất sau khi thực hiện đánh giá. Nhiều công ty đã nhận được hỗ trợ và thực sự thay đổi rất lớn trong sản xuất như Công ty TNHH Phong Giang, Công ty CP Trà Long Đỉnh, Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh hay Công ty TNHH SX và TMDV Ngô Mai Hoa… Bản thân các công ty cũng ý thức được hiệu quả của các cải tiến nên đóng góp tới 70% kinh phí đối ứng để thực hiện các giải pháp. Riêng năm 2018, các doanh nghiệp tham gia đánh giá sản xuất sạch hơn đã đóng góp trên 1,1 tỷ đồng thực hiện giải pháp cải tiến. 
Sản xuất tại Công ty CP Trà Long Đỉnh, doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Ảnh: D.Quỳnh
 
Các ngành nghề, doanh nghiệp được Lâm Đồng ưu tiên hỗ trợ các đề án sản xuất sạch hơn đa số thuộc các lĩnh vực chế biến chè, cà phê, tơ lụa, rau, củ, quả, cũng là những thế mạnh của địa phương. Chương trình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật về sản xuất sạch hơn; đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn và đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu tiêu hao nguyên, vật liệu trong quá trình sản xuất và xây dựng được các mô hình phù hợp để doanh nghiệp áp dụng. Có thể nói, chương trình đã góp phần cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
 
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng cho biết còn nhiều khó khăn khi thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Doanh nghiệp Lâm Đồng còn hạn chế về quy mô, về nguồn vốn; trong khi hỗ trợ của nhà nước dành cho doanh nghiệp ít, doanh nghiệp phải đối ứng tới 70% kinh phí khi áp dụng sản xuất sạch hơn. Bởi vậy, không ít doanh nghiệp còn băn khoăn khi áp dụng các giải pháp. Ngành công thương xác định, việc hỗ trợ sản xuất sạch hơn là chiến lược lâu dài, bền bỉ, đồng hành với doanh nghiệp hướng tới một nền sản xuất bền vững.
Diệp Quỳnh