[In trang]
"Nền văn minh hóa thạch" sắp sụp đổ?
Thứ sáu, 08/11/2019
Nền văn minh sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ sụp đổ vào năm 2028 và bị thay thế bằng nền kinh tế mới dựa trên năng lượng mặt trời, gió, kỹ thuật số và không hạt nhân. Đó là dự đoán của kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ Jeremy Rifkin.
Nền văn minh sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ sụp đổ vào năm 2028 và bị thay thế bằng nền kinh tế mới dựa trên năng lượng mặt trời, gió, kỹ thuật số và không hạt nhân. Đó là dự đoán của kinh tế gia nổi tiếng người Mỹ Jeremy Rifkin.
Cái gì thay thế nhiên liệu hóa thạch?
“Nền văn minh của nhiên liệu hóa thạch, nền tảng của hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, sẽ sụp đổ”, ông Jeremy Rifkin nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP nhân dịp xuất bản cuốn sách “Thỏa thuận xanh toàn cầu mới” (NXB Les liens, Pháp).
Jeremy Rifkin là nhà lý luận kinh tế và xã hội, nhà văn, diễn giả cộng đồng, cố vấn chính trị và nhà hoạt động xã hội người Mỹ. Ông là tác giả của 21 cuốn sách về tác động của những thay đổi khoa học và công nghệ đối với nền kinh tế, lực lượng lao động, xã hội và môi trường. Jeremy Rifkin đã tư vấn cho các quan chức châu Âu, Trung Quốc tin rằng “năng lượng mặt trời và gió đang trở nên rẻ đến mức chi phí trung bình của chúng hiện thấp hơn so với năng lượng hạt nhân, dầu mỏ, than, thậm chí cả khí tự nhiên”.
“Đây là một bước ngoặt lớn. Chúng ta bắt đầu thấy hàng nghìn tỉ USD tài sản bị mất trong tổ hợp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu. Tài sản bị mất là quyền thăm dò (dầu khí) sẽ không được sử dụng, tất cả các nhiên liệu hóa thạch sẽ không bao giờ được khai thác, tất cả các đường ống sẽ bị bỏ phí, các nhà máy điện sẽ không được sử dụng vì sẽ không bao giờ được khấu hao” - Jeremy Rifkin nói - “Ngân hàng Mỹ Citigroup ước tính chúng ta có thể thấy 100 nghìn tỉ USD tài sản bị mất, đó là bong bóng lớn nhất trong lịch sử kinh tế toàn cầu”.
Đối với Jeremy Rifkin, người rất tin vào sự ra đời của một hình thức chủ nghĩa tư bản mới, chính bản chất của cơ sở hạ tầng quyết định bản chất của hệ thống kinh tế. Ông tưởng tượng một thế giới tương lai dựa trên 3 loại cơ sở hạ tầng chính, tập hợp các nhóm dân cư địa phương và toàn cầu trong cái mà ông gọi là “glocalization”: Mạng truyền thông bằng điện thoại thông minh; năng lượng tái tạo được sản xuất theo cách phi tập trung và được phân phối bởi lưới điện thông minh; hệ thống giao động vận chuyển bằng điện hoặc pin, tích hợp vào chuỗi hậu cần thông minh.
Điều đó sẽ yêu cầu quản lý rất nhiều dữ liệu. Nó sẽ không còn được kiểm soát bởi Google, Facebook hay Amazon, mà được lưu trữ trong các trung tâm nhỏ được kết nối với nhau và được kiểm soát bởi “các nhóm đồng nghiệp” (các chuyên gia được chỉ định bởi các quan chức địa phương hoặc khu vực).
Các dự án thử nghiệm hiện nay đang có ở khắp nơi, với một số xe buýt chạy bằng hydro hoặc các tòa nhà năng lượng tích cực. Jeremy Rifkin đã từng tư vấn cho người đứng đầu vùng phía Bắc nước Pháp, Daniel Percheron và tiếp tục hợp tác với người kế nhiệm Xavier Bertrand. Theo Jeremy Rifkin, các nhà hoạch định chính sách sẽ có vai trò rất quan trọng trong sự thay đổi quy mô lớn.
“Chính các chính phủ tạo ra cơ sở hạ tầng cho các cuộc cách mạng công nghiệp của thế kỷ XXI. Các quốc gia phải tạo ra các ngân hàng xanh, các vùng của Pháp phải phát triển ngân hàng xanh của riêng mình và phát hành trái phiếu xanh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào nguồn lợi nhuận ổn định, lâu dài”, Jeremy Rifkin nói.
Với các cơ sở hạ tầng này, hàng triệu cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp nhỏ sẽ có thể tạo ra sự hợp tác về năng lượng mặt trời và gió, đưa những gì họ không sử dụng hết vào mạng lưới năng lượng tái tạo được số hóa, có thể đi qua các quốc gia và thậm chí qua các lục địa. Do đó, sản xuất năng lượng tập trung đang thống trị ngày nay sẽ biến mất.
Xây dựng một nhà máy điện mới là hoàn toàn không cần thiết. Giá thực sự của năng lượng hạt nhân trong suốt vòng đời của một nhà máy là 112 USD mỗi MWh, so với 29-40 USD mỗi MWh của năng lượng mặt trời và gió, theo Jeremy Rifkin.
Và, Jeremy Rifkin cảnh báo một vấn đề khác: Thiếu nước. Rất nhiều nước ngọt được sử dụng để làm mát lò phản ứng hạt nhân, nhưng với sự thay đổi khí hậu, nước trong sông hồ ngày càng ấm hơn và sẽ không thể sử dụng vào mùa hè để làm mát. Điều này đã xảy ra ở miền Nam nước Pháp.
Khí đốt và dầu mỏ sẽ không có tương lai?
Người đứng đầu Tập đoàn Eni, Claudio Descalzi, cho biết hôm 18-10-2019 rằng, các công ty chỉ hoạt động trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ sẽ không có tương lai trong trung và dài hạn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dài với nhật báo kinh doanh Italia Il Sole 24 Ore, Descalzi nhấn mạnh: Cần đa dạng hóa trong ngành năng lượng tái tạo và trong nền kinh tế tuần hoàn. Eni đã bắt đầu đi trên con đường này. Khi được hỏi “liệu có tương lai cho một công ty chỉ chuyên về dầu khí?”, ông Descalzi trả lời rằng “tôi không nghĩ vậy”. Khi được hỏi “trong tương lai dầu mỏ có phải là chất thải?”, Descalzi nói “điều đó là chính xác”.
“Tăng trưởng dân số và mức sống được cải thiện theo cấp số nhân sẽ dẫn đến sự gia tăng các chất thải. Hậu quả là sẽ cần thiết phải loại bỏ chúng theo cách sạch và hữu ích”, nhà lãnh đạo Eni nói thêm. Do đó, Eni dự định tăng tốc đa dạng hóa năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn. Descalzi lưu ý rằng, trong 3 năm tới, Eni sẽ đầu tư 1 tỉ euro cho nghiên cứu và phát triển và 3 tỉ euro cho các dự án khử carbon. Các dự án bao gồm: Xây dựng các cơ sở chuyển đổi chất thải hữu cơ đô thị thành năng lượng, xử lý nhựa không thể tái chế, chiết xuất methanol hoặc hydro, phát triển lọc hóa dầu ở Italia. Sau khi mua lại tài sản của ExxonMobil ở Na Uy, Eni không có ý định thực hiện bất kỳ vụ mua lại nào nữa trong ngắn hạn hoặc trung hạn.
Hiện nay đã có nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới rời bỏ dần lĩnh vực năng lượng hóa thạch truyền thống để chuyển sang năng lượng tái tạo. Cuối năm 2018, Tập đoàn dầu khí Total của Pháp mua lại 23% cổ phần của Công ty Eren Re, chuyên về năng lượng tái tạo. Thương vụ này giúp Total lần đầu tiên bước chân vào điện gió và cũng là mảnh ghép cuối cùng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Total. Total có chi nhánh SunPower tại Mỹ, chuyên sản xuất các tấm pin mặt trời. Việc mua lại Eren Re cho phép Total đặt chân vào điện gió, thủy triều. Kể từ khi tiếp quản SunPower năm 2011, Total đã phát triển mạnh mẽ trong phân khúc thị trường năng lượng tái tạo với các dự án nhiên liệu sinh học. Total mua lại công ty của Pháp chuyên sản xuất ắc quy Saft năm ngoái. Đầu năm 2017, Total thành lập một công ty chuyên về năng lượng mặt trời, Total Solar...
Total không phải là tập đoàn dầu khí duy nhất trên thế giới đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.
Từ năm 2016, Statoil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Na Uy, đã đầu tư 200 triệu USD vào năng lượng tái tạo trong 4-7 năm. Hiện nay, Staloil đang khai thác nhà máy phong điện nổi ngoài khơi Hywind Scotland Pilot Park (Hywind) với quy mô thuộc loại lớn nhất trên thế giới.
Shell cũng đã thành lập hai chi nhánh chuyên về năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ đầu tư vào hai chi nhánh này 1 tỉ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2020...
Nguồn: PetroTimes