[In trang]
Vì mục tiêu sản xuất sạch hơn
Thứ sáu, 08/11/2019
Thực hiện Kế hoạch hành động Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, những lợi ích từ SXSH mang lại đã dần được doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ. TP Cần Thơ đang nỗ lực để đưa SXSH áp dụng rộng rãi ở các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, từng bước hướng đến sự phát triển ngành công nghiệp bền vững.
Thực hiện Kế hoạch hành động Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020, những lợi ích từ SXSH mang lại đã dần được doanh nghiệp (DN) nhận thức rõ. TP Cần Thơ đang nỗ lực để đưa SXSH áp dụng rộng rãi ở các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, từng bước  hướng đến sự phát triển ngành công nghiệp bền vững.
Bản thân DN phải nhận thức rõ SXSH là cải tiến quy trình giúp DN tiết giảm tối đa chi phí sản xuất.
Nhiều DN biết đến SXSH
 Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Áp dụng SXSH trong công nghiệp của TP Cần Thơ thời gian qua cơ bản bảo đảm sự phát triển chung của ngành và phù hợp với mục tiêu “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020”. Đồng thời, được thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án khác, như: Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2030... Từ năm 2009, TP Cần Thơ đã triển khai tuyên truyền rộng rãi về SXSH đến các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Qua khảo sát, thống kê, hiện có khoảng 70% cơ sở sản xuất công nghiệp biết đến và nhận thức lợi ích của việc áp dụng SXSH. Trong đó có khoảng 45% cơ sở đã áp dụng SXSH và 30% DN có bộ phận chuyên trách về vấn đề này”.
Ngoài ra, với vai trò “đầu mối”, Sở Công Thương còn phối hợp với các sở, ngành hữu quan trong công tác hỗ trợ DN thực hiện các nội dung liên quan đến SXSH. Đơn cử như phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Chương trình Hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP Cần Thơ đổi mới công nghệ, năng suất, chất lượng. Từ năm 2016-2018, Chương trình đã hỗ trợ 13 DN đổi mới công nghệ, thiết bị với tổng kinh phí hỗ trợ là 4,18 tỉ đồng. Đồng thời, hỗ trợ 21 cơ sở, DN áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với kinh phí khoảng 1 tỉ đồng. Bà Trần Thị Kiều Duyên, Phó Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ là 1 trong 3 địa phương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn để thực hiện Dự án Khu Công nghiệp sinh thái. Qua đó, Dự án đã hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho 32 DN trong Khu Công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 áp dụng SXSH vào sản xuất. DN dần nhận thức rõ SXSH là giải pháp tối ưu để tiết kiệm điện, nhiên liệu; hình thành mối quan hệ “cộng sinh” (“đầu ra” của DN này là nguồn nguyên liệu “đầu vào” của DN kia) để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Kết quả khảo sát về áp dụng SXSH cho thấy chi phí tiết kiệm mang lại cho các DN này khoảng 2 triệu USD”.
Kết quả mang lại từ SXSH là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn gặp rất nhiều khó khăn do kinh phí vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu Kế hoạch hành động. Đội ngũ chuyên gia và cán bộ quản lý nhà nước hiểu biết về SXSH tại địa phương còn giới hạn; chưa được tập huấn chuyên sâu về SXSH để phổ biến và truyền đạt lại cho DN áp dụng triệt để nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng SXSH. Thực tế hiện nay, nhiều DN chỉ quan tâm đến kinh doanh, chưa xem việc quản lý nội vi trong sản xuất là tầm quan trọng nên lơ là đối với SXSH, đặc biệt là việc kiểm soát việc sử dụng nguyên, nhiên liệu trong DN. Một số DN còn ngại tiếp xúc, trao đổi, cung cấp thông tin với các chuyên gia tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước khi  thành phố tuyên truyền, thu thập thông tin tại DN nhằm thực hiện công tác đánh giá nhanh về tiềm năng áp dụng SXSH tại DN. Mặt khác, TP Cần Thơ hiện vẫn chưa có các cơ chế chính sách cụ thể về việc khuyến khích, thúc đẩy DN áp dụng thực hiện SXSH trên địa bàn...
Hưởng ứng và lan tỏa
Từ nay đến năm 2020, TP Cần Thơ dự kiến hỗ trợ cho 5 DN đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến về tự động hóa vào sản xuất để giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng; xây dựng 2 mô hình quản lý áp dụng SXSH cho cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố tiếp tục cử cán bộ tham gia các Chương trình tập huấn chuyên sâu về SXSH để về phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến DN. Đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại các mô hình thí điểm áp dụng SXSH hiệu quả cho các cơ sở, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn từ đó tạo sức lan tỏa trong việc áp dụng SXSH một các thiết thực, hiệu quả…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ đề xuất tổ chức các lớp chuyên sâu về SXSH nhằm đào tạo thêm các chuyên gia về SXSH cũng như nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về SXSH tại địa phương. Từ đó làm nền tảng thực hiện tốt công tác phổ biến và truyền đạt lại cho DN áp dụng triệt để hiệu quả của SXSH vào thực tế sản xuất. Song song đó, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo các sở ngành hữu quan và địa phương tăng cường công tác phối hợp thực hiện các nội dung về SXSH; ban hành các chính sách nhằm đẩy mạnh việc áp dụng SXSH vào thực tế sản xuất.
Bà Trần Thị Kiều Duyên, Phó Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, cho biết: “Bước sang giai đoạn 2, Dự án Khu Công nghiệp sinh thái dự kiến sẽ tập trung vào 70 DN có tiềm năng “cộng sinh”. Các DN này đều rất nhiều tình và tâm huyết đối với SXSH. Tuy nhiên, thành phố cũng cần có cơ chế, chính sách sát sườn; tăng cường tuyên truyền để DN hiểu SXSH là chuyện phải làm chứ không phải vận động, thuyết phục như hiện nay”.
Mới đây, trong buổi làm việc với các sở ngành liên quan về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động SXSH trong công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ từ năm 2016 đến năm 2018; kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đề nghị các sở ngành liên quan phối hợp, bám sát chương trình hành động của thành phố về SXSH; rà soát kế hoạch, chương trình của các quận, huyện để lồng ghép có hiệu quả. Đặc biệt, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường; tăng cường mối quan hệ với các địa phương khác để học tập những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Song song đó, các sở ngành hữu quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và DN, nhất là thông qua các đợt tập huấn, hội nghị, hội thảo về áp dụng SXSH trong ngành công nghiệp.
Theo Báo Cần Thơ