[In trang]
Tham vấn Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030
Thứ sáu, 20/09/2019
Ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình thúc đẩy Sản xuất và Tiêu dùng bền vững của Liên minh châu Âu đồng tổ chức “Hội nghị tham vấn Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030” (Chương trình).
Ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình thúc đẩy Sản xuất và Tiêu dùng bền vững của Liên minh châu Âu đồng tổ chức “Hội nghị tham vấn Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030” (Chương trình). Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, ông Koen Duchateau – Trưởng ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, được sự hỗ trợ của Liên minh Châu  Âu, Bộ Công Thương xây dựng Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020-2030. Hội nghị nhằm hoàn thiện bản dự thảo, dự kiến trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện vào cuối năm 2019.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) – phát biểu khai mạc hội nghị.
Trước đó, năm 2016, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ  Chương trình cho giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Hiện tại, Chương trình này vẫn đang được thực hiện.
“Trong những năm qua, phong trào sản xuất và tiêu dùng vền vững trên thế giới có nhiều thay đổi nên việc xây dựng Chương trình trình chính phủ phê duyệt trong giai đoạn tới là rất cần thiết. Thông qua thội thảo ngày hôm nay, Bộ Công Thương mong muốn được nghe những ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu về Dự thảo Chương trình giai đoạn tới cũng như đánh giá về hoạt động của Chương trình từ năm 2016 đến nay để từ đó rút ra những kinh nghiệm, kết hợp với việc tham khảo kinh nghiệm, xu hướng của quốc tế nhằm đưa ra những nội dung trọng tâm cho chương trình giai đoạn sau”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.
Theo ông Koen Duchateau – Trưởng ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Liên mình châu Âu đã có nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ở châu Á nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Ông Koen Duchateau hy vọng thông qua sự hợp tác, hỗ trợ này sẽ góp phần giúp các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Koen Duchateau – Trưởng ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam
Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dung bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bà Trâm Anh – Đại diện tư vấn trong nước cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình triển khai 06 nhiệm vụ chủ yếu, gồm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách thúc đẩy thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, thay đổi hành vi tiêu dùng, thực hiện lối sống xanh song song với thực hiện giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình giai đoạn 2016 – 2020.
Bà Trâm Anh – đại diện tư vấn trong nước trình bày báo cáo tại hội nghị
“Hiện đã có khoảng 57 văn bản được ban hành (Luật, Chiến lược quốc gia, Quyết định, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư,…) liên quan đến tiêu dùng bền vững, trong đó có 28 văn bản liên quan đến sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn trước khi có nhiệm vụ và 29 văn bản được ban hành giai đoạn sau khi có Quyết định 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, bà Trâm Anh báo cáo tại hội nghị.
Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Chương trình, bà Kim Liên – Chuyên gia tư vấn trong nước nhận định: “Bên cạnh thuận lợi về mặt truyền thông, Chương trình còn gặp một số khó khăn nhất định như nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế trong khi xu hướng về sản xuất và tiêu dùng bền vững có nhiều thay đổi. Chương trình mới được thực hiện từ năm 2016, số liệu để báo cáo đánh giá còn hạn chế, các nghiên cứu về sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng theo hướng tiếp cận LCA (đánh giá vòng đời sản phẩm) còn thiếu”.
Tại hội nghị, đại biểu đã được lắng nghe ông Peter – Chuyên gia tư vấn quốc tế trình bày tóm tắt Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tiêu thụ và sản xuất bền vững giai đoạn 2020 – 2030. Dự thảo đặt ra 6 mục tiêu cụ thể, trong đó có 02 mục tiêu có liên quan đến lĩnh vực do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện hoặc phối hợp. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 50% số doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) và 100% các nhà sản xuất xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu.
Ông Peter – Chuyên gia tư vấn quốc tế trình bày Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về tiêu thụ và sản xuất bền vững giai đoạn 2020 – 2030.
Chương trình gồm 3 nhiệm vụ chính: 1) Sản xuất bền vững; 2) Tiêu dùng bền vững; 3) Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững cho các hành động của các bên liên quan.
Sản xuất bền vững có hai lĩnh vực: quá trình sản xuất và sử dụng nguyên liệu bền vững và hệ thống phân phối sản phẩm bền vững.
Tiêu thụ bền vững tập trung vào ba lĩnh vực: lối sống và tiêu dùng bền vững, sản phẩm xuất khẩu bền vững và sản phẩm nhập khẩu bền vững.
Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững cho các hành động của các bên liên quan tập trung vào tăng cường năng lực thực hiện sản xuất và tiêu thụ bền vững, truyền thông về tiêu thụ và sản xuất bền vững, hợp tác quốc tế về tiêu thụ và sản xuất bền vững và chương trình về nghiên cứu và phát triển tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Các nội dung trên đều nhận được sự nhất trí, đồng tình của hầu hết đại biểu tham dự.
Ban chủ tọa điều hành phiên thảo luận tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận đến từ các tổ chức quốc tế và Bộ ngành liên quan. Trong đó, bài tham luận về hiện trạng và đề xuất nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với ngành Nông nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu.
Toàn cảnh hội thảo
Kết luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cảm ơn sự quan tâm của các chuyên gia, đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp, các địa phương đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ, tham vấn cho Bộ Công Thương nhiều ý kiến tâm huyết.
Sau hội nghị này, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu các ý kiến quý báu của các tổ chức, chuyên gia để chỉnh sửa, xây dựng Dự thảo lần 2. Vụ trưởng Nguyễn Thị Lâm Giang khẳng định, những ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay rất quan trọng trong việc xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 – 2030 trong thực tiễn thời gian tới.
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững