[In trang]
Doanh nghiệp Hải Phòng với lộ trình đổi mới công nghệ
Thứ năm, 16/06/2016
Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới công nghệ là vấn đề bức thiết đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Đổi mới công nghệ là một trong những giải pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trên lộ trình đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp của thành phố đang đứng trước những thách thức và cơ hội không nhỏ để có thể đạt được mức năng suất và chất lượng ở tầm cao hơn, đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới công nghệ là vấn đề bức thiết đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Đổi mới công nghệ là một trong những giải pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trên lộ trình đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp của thành phố đang đứng trước những thách thức và cơ hội không nhỏ để có thể đạt được mức năng suất và chất lượng ở tầm cao hơn, đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay.

Song hành lợi ích và rào cản

Chủ trương thực hiện cơ cấu công nghệ kết hợp nhiều trình độ, gắn hiệu quả kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường trong hoạt động đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ những năm gần đây đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quan tâm. Tỷ trọng vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ ở các doanh nghiệp tăng nhanh, trình độ công nghệ của thành phố được nâng lên một bước. Tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong các dự án đầu tư chiếm trên 60%, có một số lĩnh vực đến 90%. Các thiết bị, công nghệ được đầu tư chủ yếu có xuất xứ từ các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, tỷ lệ thiết bị điều khiển tự động và bán tự động ngày càng tăng. Một số công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới cùng với trình độ quản lý cao của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp, trình độ tay nghề của công nhân theo các chuẩn mực quốc tế đã được áp dụng tại Hải Phòng. Như dây chuyền sản xuất ống HDPE 1.2000mm lớn nhất Việt Nam này vừa được Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong áp dụng đổi mới theo công nghệ Battenfel-Cincinnati của Cộng hòa Áo. Sản phẩm ống nhựa ra đời từ công nghệ sản xuất mới có mức độ an toàn cao trong sử dụng, giảm thiểu những hư hỏng, rò rỉ trong qua trình sử dụng và thuận lợi cho việc lắp đặt, ngay cả khi cho thi công trên những địa hình phức tạp.


Dây chuyền sản xuất ống PEHD 1.200 của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

Đổi mới công nghệ là việc thay thế một phần chính hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp của thành phố chưa thật sự sâu và rộng, mới chỉ tập trung tại các doanh nghiệp lớn có tiềm lực kinh tế, trong khi 90% doanh nghiệp của Hải Phòng là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp Hải Phòng trong quá trình đổi mới công nghệ là thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo tiếp nhận công nghệ. Có đến hơn 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ được sản xuất cách đây 30 năm. Nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển công nghệ còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho đổi mới công nghệ của thành phố. Ngoài ra, còn phải kể tới các khó khăn do thiếu thông tin, khó tìm được công nghệ thích hợp và thiếu các chính sách hỗ trợ cần thiết.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ rất thiết thực, song, doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, lĩnh vực được hỗ trợ còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe và một số chủ trương của Nhà nước cũng vướng mắc khi triển khai vào thực tế. Cho đến nay, số doanh nghiệp dừng hoạt động và sản xuất kinh doanh thua lỗ vẫn còn lớn, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố. Ông Vũ Văn Cao – Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ Thủy sản Cát Hải cho biết “Sản phẩm mắm Cát Hải đã có truyền thống hơn 60 năm. Bởi vậy, chúng tôi không thể đổi mới toàn bộ công nghệ sản xuất hiện tại vì như vậy sẽ làm mất hương vị truyền thống của sản phẩm nên chỉ có thể đổi mới ở từng khâu. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận vốn”.

Thực tế cho thấy, ngoài những khó khăn khách quan thì trên lộ trình đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp Hải Phòng phần nhiều còn rất lúng túng và gặp không ít thách thức. Chính vì vậy, nền sản xuất của Hải Phòng chưa theo kịp sự phát triển mạnh và bền vững, đặc biệt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Để vượt qua những thách thức ấy, rất cần sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ giải pháp đồng bộ của các ngành, các cơ quan chức năng liên quan. Theo ThS. Bùi Xuân Tuấn – Phó Giám đốc Sở KH&CN, nhìn chung trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Hải Phòng còn thấp. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ nhưng những đổi mới này còn mang tính tự phát, chưa dựa trên những luận cứ mang tính chiến lược. Trước thực trạng này, Sở KH&CN phối hợp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm để hỗ trợ, tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ.

Cần giải pháp đồng bộ


Hải Phòng là địa phương có xuất phát điểm là thành phố công nghiệp với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước; các doanh nghiệp những năm gần đây được tổ chức sắp xếp lại và cố gắng, nỗ lực tập trung đầu tư ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào sản xuất. Việc đổi mới máy móc, thiết bị kỹ thuật công nghệ phù hợp, đã tạo được bước tiến mới, nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp, tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất kinh doanh, là cơ sở để mở rộng thị trường hàng hóa trong nước và ngoài nước.

Hải Phòng đang hết sức chú trọng tới phát triển khoa học và công nghệ, coi đây là nhân tố quan trọng, động lực, quyết định sự phát triển của thành phố. Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố đã đề ra những quan điểm và mục tiêu chiến lược để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của thành phố. Chương trình Đổi mới công nghệ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 là một trong số đó. Nhiều năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện hàng loạt hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình này. Đặc biệt, trong năm 2015, đã hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ với nhiều hoạt động thiết thực. Công ty Cổ phần SIVICO là một trong 5 doanh nghiệp được thành phố lựa chọn để hỗ trợ đổi mới công nghệ trong năm 2016 này.


Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty Cổ phần SIVICO

Ông Hòa Quang Thiệp – Tổng Giám đốc công ty cho biết “Đây là lần thứ ba chúng tôi tiến hành đổi mới công nghệ. Ở lần thứ nhất, công ty chúng tôi đổi mới trong phạm vi nhỏ. Lần thứ 2, đổi mới công nghệ ở quy mô lớn hơn giúp doanh nghiệp chúng tôi nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong lần đổi mới công nghệ thứ ba này, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ hiệu quả nhất từ các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước để có thể đổi mới một cách toàn diện, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong thời kỳ hội nhập”.           

Các chuyên gia, các nhà quản lý trên lĩnh vực khoa học – công nghệ thành phố đều đã đồng hành và nhận thấy những thách thức đặt ra cho doanh nghiệp trên lộ trình đổi mới công nghệ. Bởi vậy, đổi mới công nghệ được coi là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đồng thời là bộ phận quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quy hoạch phát triển của các ngành. Các nội dung đổi mới công nghệ của thành phố theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, gắn liền với doanh nghiệp, gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường, phát triển bền vững. Các chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đã và sẽ tiếp tục được tiến hành, nhân rộng, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đổi mới công nghệ. Các hỗ trợ nêu trên của thành phố là vô cùng cần thiết để kích thích hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, đóng vai trò bà đỡ để doanh nghiệp duy trì và tạo ra các hoạt động đổi mới công nghệ thành công và đem lại hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Văn An – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng: “Lộ trình đổi mới công nghệ là công cụ kết nối sản phẩm, công nghệ và thị trường. Ngành KH&CN Hải Phòng xác định, hỗ trợ tập trung và toàn diện cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình KH&CN của thành phố; tiếp tục tư vấn cho các doanh nghiệp, xây dựng lộ trình đổi mới tiếp cận, tham gia các chương trình KH&CN của thành phố và quốc gia, các quỹ phát triển KH&CN, quỹ đổi mới quốc gia giúp đưa lộ trình đổi mới công nghệ vào thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận trong xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp; xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này; phấn đấu giai đoạn 2015-2020 hoàn thành chỉ tiêu xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ trung bình 10 doanh nghiệp/năm”.

Tuy nhiên, trên tất cả, để thực hiện thành công đổi mới công nghệ cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần phải thực hiện đầy đủ các giải pháp, tập trung cụ thể vào các nội dung của doanh nghiệp mình. Các nội dung và nhiệm vụ đổi mới công nghệ phải gắn liền và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố.  Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về lãi suất, phương án tiếp cận vốn. Song, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nên tìm kiếm sự đầu tư công nghệ từ các quỹ đầu tư vì tiềm lực tài chính và uy tín của quỹ tạo ra độ tin cậy cần thiết, để những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp. Đồng thời, với kỹ năng quản trị, nhất là quản lý tài chính, các quỹ đầu tư hoàn toàn có thể tìm được một nhà tư vấn, một nhà quản trị giỏi, lựa chọn đúng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.