[In trang]
Lợi thế khi được gắn mác “xanh”
Thứ tư, 12/02/2020
Trong khi nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT đảm bảo, việc tự thân và trách nhiệm của từng DN trong công tác BVMT là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Trong khi nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT đảm bảo, việc tự thân và trách nhiệm của từng DN trong công tác BVMT là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Theo Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì sự phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) là cam kết của DN đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường (BVMT), bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, bảo đảm chất lượng sản phẩm... theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội. Để đóng góp cho sự phát triển bền vững đòi hỏi DN phải tuân thủ các chuẩn mực về BVMT.
Trong khi nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT đảm bảo, việc tự thân và trách nhiệm của từng DN trong công tác BVMT là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Nhất là trong bối cảnh nguồn thu và chi tiêu ngân sách cho BVMT ngày càng hạn hẹp, nhưng các yêu cầu đặt ra cho việc thực hiện thành công các chiến lược, chính sách về nền kinh tế xanh và phát triển bền vững ngày càng cao và đòi hỏi nhiều kinh phí.
Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng DN năm 2019 với chủ đề "Vì một nền kinh tế xanh - phát triển bền vững" diễn ra giữa tháng 5/2019 cũng đưa ra bàn luận, phân tích xu hướng kinh doanh trong định hướng phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu thế đang được toàn thế giới quan tâm ưu tiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang gia tăng, giảm phát thải khí nhà kính, đem lại môi trường sống trong lành cho người dân mà còn làm lợi rất lớn về vấn đề tài chính cho DN.
Đơn cử như Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế trong 5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh với việc ứng dụng năng lượng xanh, sạch vào vận hành hệ thống cấp nước, tạo nguồn điện phục vụ sản xuất từ hệ thống nước tự chảy, sản xuất rau thủy canh... đã làm lợi cho đơn vị hơn 19 tỷ đồng.
Các sản phẩm gia dụng, trang trí, thời trang như: mũ, túi xách, bàn ghế, đèn lồng... được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường như mây, tre, cỏ bàng của các DN trên địa bàn: Hữu cơ Huế Việt, HTX mây tre đan Bao La, cơ sở Trần Lợi, cơ sở cỏ bàng NX trên địa bàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng cũng như các đối tác khách hàng trong ngành du lịch và xuất khẩu.
Những sản phẩm túi ni lông tự hủy sinh học, cốc, muỗng, nĩa vi sinh, chai thủy tinh... của các DN trong và ngoài tỉnh đang là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng vì một cuộc sống thân thiện với môi trường.
Kể cả những DN hoạt động trong ngành du lịch dịch vụ, lưu trú hay sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như mặt hàng thủy sản, thực phẩm, may mặc..., nếu được gắn mác "xanh", dịch vụ, sản phẩm của DN không chỉ nhận được sự ưu ái của người tiêu dùng, nâng hình ảnh, thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm của DN lên cao hơn mà còn có cơ hội lớn để DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu  mua sắm và tiêu dùng xanh mà nhiều quốc gia đang thúc đẩy.
Các điều khoản cam kết, nghĩa vụ về môi trường hầu như đều được quy định trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương, nên một khi thực hiện các cam kết trong lĩnh vực BVMT, DN vừa xây dựng hình ảnh có trách nhiệm với xã hội và tạo vị trí thương mại thông qua việc sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Báo Thừa Thiên Huế