[In trang]
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường
Thứ sáu, 15/03/2019
Ngày 11/2, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 530/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quảng Trị.
Ngày 11/2, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 530/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quảng Trị.

Hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn tại Quảng Trị
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện với môi trường; phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực do chất thải rắn gây ra tới môi trường và sức khỏe con người.
Cụ thể đến năm 2025: 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 100% tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. 60% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
100% rác thải sinh hoạt đô thị và 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trên cơ sở tối đa hóa khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.  100% địa phương cấp huyện có bãi chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp và hiện đại. 100% địa phương cấp xã có điểm tập kết hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn đảm bảo vệ sinh theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. 85% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn, thực hiện phân loại rác tại nguồn. 80- 85% các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. 100% các địa phương tại Quảng Trị có hợp tác xã môi trường, đội vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển rác thải. 100% trung tâm thương mại (nếu có), siêu thị sử dụng túi ni lon thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy.  Việc đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%.
100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và làng nghề được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp… đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó có 60% được tái chế hoặc tái sử dụng thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp. 100% bao bì đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật dùng trong nông nghiệp phải được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định pháp luật. 100% bùn bể tự hoại phát sinh từ khu vực đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường…
Phấn đấu đến năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhât.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các địa phương. Tổ chức triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.
Đồng thời, Sở TN&MT cần chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực, địa bàn quản lý. Xây dựng các mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn để triển khai thực hiện; hướng dẫn, tổ chức đơn vị, địa phương triển khai việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Tài nguyên môi trường