[In trang]
Bắc Giang: Đổi mới công nghệ chế biến, nâng giá trị gỗ rừng trồng
Thứ ba, 22/03/2016
Với lợi thế về diện tích rừng trồng, ngành lâm nghiệp đã chú trọng thu hút đầu tư, định hướng cho các doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, giá trị chế biến gỗ.

Với lợi thế về diện tích rừng trồng, ngành lâm nghiệp đã chú trọng thu hút đầu tư, định hướng cho các doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, giá trị chế biến gỗ.

Chủ động ứng dụng công nghệ mới

Năm 2010, Công ty TNHH Vũ Thịnh (Công ty Vũ Thịnh), thị trấn Vôi (Lạng Giang) đầu tư dây chuyền sản xuất ván ghép thanh (còn gọi là gỗ ghép) với ưu điểm ghép nhiều thanh gỗ ngắn, nhỏ với nhau tạo thanh gỗ dài, rộng hơn. Sản phẩm gỗ ghép được chế biến, sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, ván sàn...

Nhờ được xử lý công nghiệp như sấy, tẩm, ướp hóa chất nên ván ghép thanh đã khắc phục những hạn chế cơ bản của gỗ tự nhiên được chế biến theo cách truyền thống như: Không mối mọt, co ngót, cong vênh, mẫu mã đa dạng...

Không chỉ sản xuất sản phẩm thô, Công ty Vũ Thịnh còn tự thiết kế mẫu mã, hoàn thiện các sản phẩm đồ gỗ dân dụng từ bình dân đến cao cấp, phục vụ nhu cầu người dân. Nhờ vậy, với công suất 1,5 nghìn m3/năm, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng, DN tạo việc làm cho hơn 80 lao động với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 9-2015, Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt, xã Mỹ An (Lục Ngạn) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng hóa, chế biến than, chế tạo thiết bị cơ khí kết hợp sản xuất gỗ theo công nghệ MDF của Đức, công suất thiết kế 120 nghìn m3/năm. Dự kiến, dự án hoàn thiện, đi vào hoạt động từ quý I-2018, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Đây là dự án chế biến gỗ quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có gần 1,8 nghìn cơ sở chế biến gỗ, trong đó có hơn 60 DN lớn đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại như: Công ty cổ phần Xây dựng 179, Công ty TNHH một thành viên Lạng Sơn, Công ty TNHH An Lâm, Công ty TNHH Bền Giang… chuyên sản xuất các loại ván ép xuất khẩu, viên gỗ nén từ gỗ rừng trồng. Thậm chí một số DN còn sử dụng công nghệ tiên tiến có thể tận dụng cả mùn cưa, cành cụt để tạo ra sản phẩm gỗ có độ bền, đẹp cao.

Hiện đại hóa cơ sở chế biến

Toàn tỉnh hiện có gần 100 nghìn ha rừng trồng, sản lượng khai thác mỗi năm đạt hơn 450 nghìn m3 gỗ, giá trị ước đạt hơn 500 tỷ đồng. Không chỉ giúp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trực tiếp tại các cơ sở chế biến gỗ, việc đẩy mạnh trồng rừng còn giúp hàng chục nghìn hộ dân thoát nghèo, làm giàu; trở thành vùng nguyên liệu cung cấp gỗ cho các DN, cơ sở chế biến.

Nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, từ nhiều năm nay, ngành lâm nghiệp luôn hỗ trợ, định hướng các DN cải tiến thiết bị máy móc, công nghệ trong sản xuất, giảm thấp nhất việc băm dăm, xuất khẩu gỗ dưới dạng thô. Đẩy mạnh chế biến tinh theo quy trình khép kín từ trồng rừng đến chế biến, thiết kế, sản xuất, tiêu thụ gỗ thành phẩm, tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao hơn.

Nhờ công nghệ chế biến được cải tiến đã thúc đẩy người dân trong tỉnh trồng, chăm sóc rừng. Từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có hơn 6 nghìn ha rừng trồng mới, trồng lại sau khai thác, trong đó 95% diện tích là rừng sản xuất. Năng suất gỗ bình quân hiện đạt 15 m3/ha/năm, chu kỳ khai thác gỗ nhỏ rút ngắn từ 10-12 năm xuống còn 6-8 năm. Giá thu mua nguyên liệu cũng tăng cao, hiện giá gỗ rừng trồng (tùy kích cỡ, chủng loại) từ 1- 1,5 triệu đồng/m3 (tăng gần 1,5 lần những năm trước). Gỗ khai thác đến đâu được DN thu mua hết đến đó..

Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, các cơ sở chế biến gỗ đã góp phần tiêu thụ, nâng cao giá trị rừng trồng. Để khai thác tiềm năng đất đai, lao động, phát huy tốt hơn nữa giá trị rừng trồng, thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kiểm soát tốt chất lượng cây giống lâm nghiệp; định hướng DN và hộ dân liên kết cải tiến kỹ thuật, đầu tư trồng rừng gỗ lớn để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến gỗ có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, giá trị hơn.