[In trang]
Khuyến công Vĩnh Phúc: Tạo nền phát triển công nghiệp nông thôn
Thứ ba, 23/02/2016
Sau 5 năm triển khai, Chương trình khuyến công của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 đã phát huy tốt hiệu quả, giúp các đối tượng thụ hưởng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn, qua đó tạo đà cho ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển.

Sau 5 năm triển khai, Chương trình khuyến công của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2015 đã phát huy tốt hiệu quả, giúp các đối tượng thụ hưởng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho lao động nông thôn, qua đó tạo đà cho ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển.

Ngay sau khi Chương trình khuyến công giai đoạn 2011-2015 được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Theo đó, trung tâm phối hợp tổ chức tập huấn cho 694 lượt cán bộ khuyến công cơ sở; đào tạo, truyền nghề cho trên 3.000 học viên. Công tác đào tạo nghề được tổ chức theo hình thức dạy nghề tại chỗ, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm. Các nghề được tập trung đào tạo gồm: thêu ren, đính cườm, may công nghiệp, mây tre đan.

Trung tâm cũng dành nguồn kinh phí đáng kể triển khai nội dung, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật và công nghệ sản suất sản phẩm mới. Tổng kinh phí thực hiện là 9,51 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 1,510 tỷ đồng; 8 tỷ đồng còn lại là kinh phí thu hút từ các cơ sở và doanh nghiệp thụ hưởng. Công tác hỗ trợ máy móc, thiết bị đã giúp các cơ sở CNNT giảm chi phí đầu tư, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 400 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá chung, sau 5 năm triển khai, Chương trình khuyến công giai đoạn 2011-2015 đã tạo nền móng vững chắc cho ngành CNNT tỉnh phát triển. Hoạt động khuyến công góp phần vào sự tăng trưởng của giá trị sản xuất CNNT, tạo sự thay đổi tích cực đối với các cơ sở về khả năng tiếp cận nguồn lực, nâng cao trình độ quản lý, mở rộng quy mô sản xuất… Công tác khuyến công từng bước được củng cố, phát triển và dần hoàn thiện; huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và các dịch vụ khuyến công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, công tác khuyến công vẫn vướng một số hạn chế khi chưa xây dựng được các mô hình có thể tạo bước ngoặt cho ngành CNNT, sức lan tỏa của các mô hình còn hạn chế, việc nhân rộng chưa đạt hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền giới thiệu các mô hình, công nghệ sản xuất sản phẩm mới, kết hợp với phổ biến một số chủ trương, chính sách về khuyến công thực hiện chưa thường xuyên, sâu rộng. Nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công chưa tiếp cận được thông tin và chính sách của nhà nước về khuyến khích phát triển CNNT. Ngoài ra, tỉnh chưa huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào phát triển CNNT; kinh phí được cấp hàng năm còn thấp; chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp nòng cốt; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công cấp cơ sở còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ…

Để phát huy hiệu quả chương trình khuyến công giai đoạn vừa qua, Vĩnh Phúc dự kiến tiếp tục đầu tư lớn cho Chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Theo đó, khuyến công hướng đến mục tiêu đào tạo khoảng 3.000 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức cho 250- 350 thợ giỏi, nghệ nhân thành giáo viên dạy nghề. Chương trình cũng hướng đến việc xây dựng mô hình trình diễn về chế biến nông – lâm – thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, chuyển giao công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch trong công nghiệp…

Vĩnh Phúc dự kiến dành 51 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2016-2020. Chương trình sẽ ưu tiên triển khai nội dung đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất.